Sau cú sốc trên thị trường trái phiếu: S&P 500 có thể lao dốc 40%?
“Nhà đầu tư cổ phiếu nên đặc biệt đến tín hiệu phát đi từ thị trường trái phiếu, khi đường cong lợi suất đã có sự đảo ngược trong ngày cuối tuần trước”. Đó là lời nhắc nhở của các nhà quản lý quỹ đầu cơ.
“Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ ngạc nhiên về mức điểm mà S&P 500 sẽ hướng tới vào cuối năm nay. Theo tôi mức sụt giảm tối thiểu là 40% kể từ đỉnh của chỉ số này”, Otavio Costa, nhà phân tích vĩ mô tại quỹ phòng hộ Crescat Capital, quỹ đang quản lý 52 triệu USD nhận định. Quỹ này được đánh giá là một trong những quỹ đầu tư vĩ mô đạt lợi nhuận cao nhất năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng 40,5%.
Chuyên gia phân tích này cho biết sự đảo ngược của đường cong lợi suất - xảy ra khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài – báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ thị trường giá lên kéo dài 10 năm của S&P 500, một kỷ lục về thời gian tăng trưởng nhờ các biện pháp kích thích kể từ tháng 3/2009.
“Số lượng các đường cong lợi suất nghịch đảo ở các kỳ hạn đang tăng lên cho thấy một thị trường gấu đang tới gần, trong bối cảnh bức tranh tăng trưởng toàn cầu ngày càng u ám”.
Tỷ lệ nghịch đảo lợi suất của các kỳ hạn tại thị trường Mỹ
Thị trường chứng khoán chỉ mới vừa chứng kiến lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 10 điểm cơ bản xuống còn 2,439% trong khi lợi suất Tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng là 2,462%. Hiện tượng chênh lệch nghịch đảo này vốn được các nhà kinh tế học quan sát chặt chẽ, vốn đã xảy ra trước tất cả các đợt suy thoái của nền kinh tế Mỹ kể từ năm 1960, dù thời điểm có thể khác nhau.
Lần đảo ngược gần nhất là ngay trong năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ và mức chênh lệch lên cao đỉnh điểm vào mùa thu năm 2008. Đường cong lợi suất nghịch đảo vì các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế trong tương lai có thể làm gia tăng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn với các trái phiếu dài hạn kéo theo lãi suất dài hạn giảm (nhu cầu mua trái phiếu càng lớn càng khiến lãi suất trái phiếu thấp đi).
Sự đảo ngược lợi suất của Tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã khiến thị trường cổ phiếu chao đảo. Chỉ số S&P 500 trong phiên cuối tuần 22/3 đã sụt giảm 1,9%, chỉ số DJA giảm 1,77%. So với mức đỉnh của phiên liền trước, cả hai chỉ số này đều giảm trên 2%.
Chuyên gia phân tích của Crescat Capital cho biết ông đánh giá bi quan đối với thị trường cổ phiếu Mỹ và đánh giá tích cực đối với thị trường vàng. Chuyên gia này nhận định đây có thể “phi vụ giao dịch vĩ mô của thế kỷ”, khi sựhoảng loạn bắt đầu và các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm kênh đầu tư an toàn như vàng, trong khi tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu. “Tôi tin rằng đợt sụt giảm thứ hai của thị trường gấu đã bắt đầu hôm thứ Sáu, nối tiếp sau đợt bán tháo hồ tháng 12 năm ngoái”.
Chuyên gia này cũng cho rằng nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào một hiện tượng nghịch đảo đơn lẻ, mà thay vào đó nên quan sát bức tranh rộng hơn dựa trên tỷ lệ nghịch đảo giữa các trái phiếu kỳ hạn dài 30 năm với những công cụ ngắn hạn như lãi suất qua đêm của FED. Thống kê cho thấy tỷ lệ nghịch đảo lợi suất đã nhảy vọt từ mức 0% từ đầu năm 2018 lên 60% trong tuần qua. Bức tranh toàn cảnh này sẽ hạn chế được những ảnh hưởng mang tính đặc thù của các kỳ hạn khác nhau.
Tuy nhiên ý kiến phân tích này cũng thừa nhận FED đã có các hành động nhanh tại cuộc họp tháng 3 vừa rồi và điều này có thể làm giảm lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ quá gấp rút. Về lý thuyết, việc chậm lại tiến triển nâng lãi suất có thể giúp nền kinh tế có thêm thời gian tăng trưởng. Tại kỳ họp này, FED đã phát tín hiệu sẽ không nâng lãi suất lần nào nữa trong năm 2019 trong khi kỳ họp trước còn dự kiến sẽ nâng 2 lần.