Sau thập kỷ phát triển vũ bão, đã đến lúc Trung Quốc học cách "đạp phanh"

06/11/2019 13:42 GMT+7
Một báo cáo dữ liệu kinh tế Trung Quốc mới đây chỉ ra khoảng 1/3 các tỉnh của Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức mục tiêu trong quý III/2019. Tuy nhiên, có vẻ như trong hoàn cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, mục tiêu tăng trưởng không còn quá quan trọng với Bắc Kinh.
Sau thập kỷ phát triển vũ bão, đã đến lúc Trung Quốc học cách "đạp phanh" - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì thương chiến

Tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý III/2019 chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong hơn 27 năm trở lại đây. Thậm chí, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế còn đặt ra nghi ngờ về độ chính xác của con số này, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh và hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng khỏi thị trường này để tránh tác động từ thương chiến Mỹ Trung.

Trong một báo cáo kinh tế mới đây được đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, có tới 1/3 tỉnh của Trung Quốc không đạt mức tăng trưởng mục tiêu tính đến hết quý III/2019. Ví dụ, ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc bao gồm Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm đều chứng kiến mức tăng trưởng lẹt đẹt đáng báo động, lần lượt là 5,7%, 4,3% và 1,8% trong 3 quý đầu năm. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng 3 tỉnh này đặt ra hồi đầu năm lần lượt là 6-6,5%, 5% và 5-6%. “Các vùng nông thôn nghèo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự giảm tốc kinh tế” - tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định.

Nhiều nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc thừa nhận rằng nền kinh tế tỷ dân đang gánh chịu những áp lực nặng nề từ trong và ngoài nước. Tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn, đặc biệt là thương chiến Mỹ Trung và khủng hoảng Brexit đã tác động nặng nề đến dòng chảy thương mại của quốc gia này. Còn trong nước, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành xóa sổ khoảng 30-50% quy mô đàn lợn trong nước đẩy lạm phát tiêu dùng lên mức phi mã. Bởi vậy, bất chấp hàng loạt gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc tung ra thị trường trong vòng 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý III vẫn thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. 

Thực chất, tốc độ tăng trưởng 6% vẫn nằm trong mức tăng trưởng mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra hồi đầu năm nay (6-6,5%). Tuy nhiên, con số 6% rõ ràng là một cảnh báo đáng kể với quốc gia tỷ dân.

Hồi năm 2012, Bắc Kinh từng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: quy mô tăng trưởng GDP năm 2020 đạt gấp đôi năm 2010 trong tiến trình xây dựng xã hội thịnh vượng của quốc gia tỷ dân, tức gấp đôi mức 39,8 nghìn tỷ NDT. Do đó, chỉ với một tính toán đơn giản, nếu tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2020 đạt dưới mức 6%, mục tiêu tham vọng hồi năm 2012 sẽ không thành hiện thực. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã tự lỡ nhịp trên con đường tham vọng siêu cường kinh tế của chính mình.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã liên tục hạ mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn trong khoảng 1 năm gần đây sau khi thương chiến Mỹ Trung gây tác động nặng nề lên nền kinh tế. Đáng ngạc nhiên là những mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn vẫn không thay đổi. Vậy nên, câu hỏi khiến thị trường quan tâm lúc này là, liệu rằng những mục tiêu dài hạn được Bắc Kinh đặt ra trước đây có còn hiệu lực trong bối cảnh thương chiến kéo dài hay không?

Kinh tế Trung Quốc cần học cách "đạp phanh"

Cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ rõ ràng là một ẩn số bất ngờ đã làm thay đổi hoàn toàn các kế hoạch tăng trưởng của Bắc Kinh. Bất chấp những tín hiệu lạc quan trên bàn đàm phán trong thời gian gần đây, thị trường vẫn giữ nguyên những mối quan ngại rằng thương chiến có nguy cơ leo thang trở lại do hàng loạt mâu thuẫn cốt lõi chưa được giải quyết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chính các quan chức Trung Quốc giờ đây cũng đang ngờ vực về khả năng ký kết thỏa thuận thương mại cuối cùng với Washington, bởi sự khó lường của Tổng thống Donald Trump. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh cho đến nay vẫn hành động thận trọng và giữ lại hầu hết những vũ khí thương mại của mình.

Sau thập kỷ phát triển vũ bão, đã đến lúc Trung Quốc học cách "đạp phanh" - Ảnh 3.

Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc liên tục giảm trong nhiều tháng qua

Một ví dụ thực tế, có thể nhìn vào chính sách tiền tệ thận trọng của Bắc Kinh trong vài tháng vừa qua. Trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất ít nhất 0,5%, Ngân hàng nhân dân Trung quốc vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 4,2% sau cuộc họp chính sách hôm 20/10. Thị trường đã thất vọng.

Trung Quốc không chỉ gánh trên vai áp lực từ thương chiến Mỹ Trung, mà còn phải cõng khoản nợ quốc gia khổng lồ lên tới 300% GDP. Việc Bắc Kinh lưỡng lự trong nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ thể hiện sự kiềm chế của các nhà hoạch định chính sách, mà còn châm ngòi cho những nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp kích thích thương mại truyền thống. 

Chính phủ Trung Quốc có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế để kích thích chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, điều sẽ làm tăng trưởng GDP khởi sắc. Nhưng một động thái như vậy đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ quốc gia thêm trầm trọng. Một khi Chính phủ không tung gói kích cầu để khống chế mức nợ công, Bắc Kinh phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng dưới mức mục tiêu. Tức là sự giảm tốc trong nền kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn không thể tránh khỏi.

Bởi vậy, mức tăng trưởng GDP 6% khó có thể trở thành mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong một tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Trong bối cảnh thương chiến và nợ công, Bắc Kinh thừa hiểu rằng bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ hay tài khóa nào cũng khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn có nguy cơ tạo nên bong bóng trên thị trường tài chính và bất động sản.

Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới giờ đây cần chấp nhận một tình huống khác của nền kinh tế Trung Quốc: mức cân bằng giữa tăng trưởng GDP với ổn định thị trường tài chính và tác động của bất ổn địa chính trị. Sau hàng thập kỷ phát triển như vũ bão, Trung Quốc giờ đây cần học cách "giảm đà, đạp phanh" trước những thách thức to lớn trên toàn cầu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục