Savills: Nhà đầu tư đang tìm cả nghìn ha đất mở khu công nghiệp
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm địa điểm đầu tư khu công nghiệp, cũng như tìm thuê mặt bằng để mở xưởng sản xuất.
"Nhiều nhóm nhà đầu tư đang có nhu cầu tìm quỹ đất từ 500 đến 1.000 ha để phát triển các khu công nghiệp. Một bộ phận khác là những nhà sản xuất muốn đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng có sẵn", ông Sử Ngọc Khương cho biết.
Bên cạnh các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, một số thị trường địa phương cũng đang được các nhà đầu tư chú trọng quan tâm như Long An, Bình Dương. Chuyên gia này đánh giá đây đều là những tỉnh, thành phố có vị trí thuận lợi, nguồn lực và nhân công dồi dào, cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển, kho bãi, lưu trữ và logistics đến các thành phố lớn.
Trong tháng 5, riêng Long An đã có hai dự án khu công nghiệp lớn khởi công. Cụ thể là Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO có tổng diện tích 195,79 ha tại huyện Đức Hòa với tổng vốn đăng ký đầu tư 388 tỷ đồng và Khu công nghiệp Việt Phát quy mô 1.800 ha tại huyện Thủ Thừa.
Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Vinhomes cũng chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes (VHIZ).
Đây là những động thái cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang đua nhau đổ vốn vào phân khúc bất động sản công nghiệp sau một thời gian dài bỏ quên.
Theo dữ liệu mới nhất của Cushman & Wakefield, tính đến hết quý I, Việt Nam có 335 khu công nghiệp trên toàn quốc, tổng diện tích lên đến 97.800 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 76%. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, các khu công nghiệp tại Việt Nam đang thu hút một nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và có liên kết mạnh mẽ với hệ sinh thái sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một trong những động lực lớn nhất khiến thị trường Việt Nam được chú ý trong năm 2019 và 2020 là việc chủ động gia nhập các FTA chủ chốt.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam, nhận định: “So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang tham gia tích cực hơn vào các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa với việc tiếp cận gần hơn với thị trường toàn cầu. Năm nay, chúng ta đã cùng EU phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại, hứa hẹn mang lại cơ hội cho Việt Nam, giúp tăng cường quá trình chuyển đổi từ lĩnh vực sản xuất sang các ngành công nghiệp giá trị cao hơn”.
Nhìn nhận về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông John Campbell đánh giá đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Dịch bệnh là động cơ thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển dịch mối quan tâm sang các thị trường khác thay vì thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Covid-19 cũng gây cản trở về hoạt động sản xuất, giao thông và liên lạc.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nhấn mạnh Việt Nam cần lưu ý khi lựa chọn các nhà đầu tư công nghiệp vào thị trường, ưu tiên những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao cũng như hạn chế các ngành thâm dụng lao động.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam phải chú trọng đến việc phát triển hệ thống giao thông nội đô - inland transportation. Cụ thể, đó là hệ thống giao thông giúp các nhà máy vận chuyển hàng hóa từ thành phố này đến thành phố khác, kết hợp với hệ thông xuất cảnh hàng hóa ra nước ngoài, và ngược lại. Bên cạnh đó là vấn đề kho bãi cho quá trình hậu sản xuất thành phẩm hay nguyên liệu thô.