Sẽ cụ thể hoá trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễm quá trình giải ngân
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 56.666 tỷ đồng, thấp hơn năm 2023 và tương đương với số vốn được giao năm 2022.
Để đảm bảo hiệu quả kế hoạch giải ngân, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Vụ đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/ ban QLDA khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư sẽ thực hiện cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.
Được biết, năm 2024 là năm bản lề để hoàn thành loạt dự án cao tốc vào năm 2025. Trên cơ sở đó, các đơn vị tham mưu sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư ngay từ đầu năm phải làm việc với các địa phương tháo gỡ triệt để khó khăn trong GPMB và thủ tục cấp mỏ vật liệu.
Cũng theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), hiện, công tác đền bù GPMB đã được cải thiện đáng kể so với các dự án trước đây, sau 1 năm thực hiện, hầu hết các dự án cao tốc đều được bàn giao trên 90% mặt bằng. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại chưa được giải phóng đang tập trung chủ yếu ở một số khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và khu vực đất ở.
Giải quyết khó khăn này, các chủ đầu tư cần làm việc, đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Riêng công tác triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu là đường điện cao thế liên quan đến nhiều bộ, ngành, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên thực hiện trước các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thi công, nhất là các vị trí xây dựng cầu.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu; thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", dự án đến giai đoạn cuối mới tìm nhà thầu thay thế.
Đối với Ban QLDA Thăng Long, lãnh đạo Ban này khẳng định sẽ duy trì cơ chế linh hoạt trong công tác giải ngân. Theo hợp đồng, 5% bảo hành và 1% quyết toán. Tuy nhiên, đảm bảo nguồn lực để nhà thầu thi công, tạo khối lượng giải ngân, Ban đã cho nhà thầu bảo lãnh 3% tiền bảo hành, chỉ giữ lại 2%. Có những gói thầu nhà thầu uy tín, nhà thầu sẽ được bảo lãnh toàn bộ.
Riêng công tác quyết toán, với một số dự án, Ban sẽ thực hiện khi khối lượng thực hiện đạt được 90% giá trị để nhà thầu có trách nhiệm làm quyết toán chứ không thu ở kỳ quyết toán đầu tiên.