Sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá tại kỳ họp cuối năm

15/06/2022 06:40 GMT+7
Chiều 13/6, với 92,77% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá tại kỳ họp cuối năm - Ảnh 1.

Các đại biểu đoàn Yên Bái bấm nút thông qua Nghị quyết.

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 có bố cục gồm 4 Điều với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết quy định:

Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: Đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022); Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ngoài ra, còn bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật, 1 nghị quyết, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, triển khai ngay chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định, không bảo đảm chất lượng.

Theo Thời Báo Tài Chính
Cùng chuyên mục