Cổ phiếu SFG tăng trần liên tiếp 3 phiên, Phân bón miền Nam làm ăn ra sao?

02/03/2022 17:42 GMT+7
Giữa lúc thị trường chứng khoán rực lửa, không ít nhà đầu tư "ăn mừng" khi cổ phiếu ngành phân bón lại phủ sắc xanh và sắc tím. Trong nhóm này phải kể đến cổ phiếu SFG của Phân bón miền Nam với 3 phiên liên tiếp SFG "tím ngắt".

Thị trường chìm trong sắc đỏ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, Vnindex giảm 13,26 điểm, tương đương mất 0,88% về 1485,52 điểm với 319 mã giảm áp ddảo 137 mã tăng, trần 13 mã.

Thanh khoản thị trường tăng hơn 13% so với phiên ngày 1/3, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 35.656 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng hơn 15%, đạt 30.326 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại bán ròng 1.170 tỷ đồng ở sàn HoSE trong phiên hôm nay.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu như toàn chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã lớn giảm khá sâu như BID giảm 3,8% xuống 42.450 đồng, TCB giảm 2,2% xuống 49.200 đồng, VPB giảm 3,3% xuống 36.500 đồng, CTG giảm 3,9% xuống 32.000 đồng, MBB thậm chí còn giảm 4,4% xuống 32.500 đồng, ACB giảm 2,8% xuống 32.900 đồng, VIB giảm 2,6% xuống 45.800 đồng, TPB giảm 3,2% xuống 41.450 đồng, STB giảm 4,3% xuống 31.250 đồng, SHB giảm 2,3% xuống 21.000 đồng, HDB giảm 4,2% xuống 27.350 đồng, giảm mạnh nhất là EIB giảm 5,5% xuống 32.000 đồng.

Tương tự, nhóm chứng khoán cũng chịu áp lực bán mạnh, phần lớn các cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ. BSI, VND giảm trên 3,3%; CTS, SHS, SSI, FTS, HCM… đồng loạt giảm điểm ở mức trên 2%.

SFG tăng trần liên tiếp 3 phiên, Phân bón miền Nam làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, Vnindex giảm 13,26 điểm, tương đương mất 0,88% về 1485,52 điểm với 319 mã giảm áp ddảo 137 mã tăng, trần 13 mã.

Đi ngược lại nhóm ngân hàng và chứng khoán, các nhà đâu tư nhóm cổ phiếu phân bón hôm nay hân hoan "ăn mừng" khi nhiều mã tăng mạnh, thậm chí tăng kịch trần. Đơn cử, cổ phiếu DMC của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau tăng 5,69% lên 39.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tăng 5,28% lên 59.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu LAS của Công ty CP Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng 4,29% lên 21.900 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu VAF của Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển tăng 2,77% lên 14.850 đồng/cổ phiếu...

Trong nhóm này, đáng chú ý là cổ phiếu SFG của Công ty CP Phân bón miền Nam tăng trần cứng với 6,78% lên 22.850 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu SFG tăng trần lên đỉnh lịch sử. Xét trong 1 tuần qua, thị giá SFG tăng tới 21,87%, còn trong 1 năm qua, cổ phiếu này tăng 154,5%.

Phân bón miền Nam (SFG) làm ăn ra sao?

Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2021 của Phân bón miền Nam, doanh thu đạt 705 tỷ đồng, tăng 2,2 lần, lợi nhuận gộp đạt 54 tỷ đồng tăng 3,89 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tài chính trong quý IV/2021 giảm 47% về 8,3 tỷ đồng do khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia. Thu nhập khác giảm 28%, chi phí tài chính tăng 31,8%, chi phí bán hàng tăng 4,78%, chi phí quản lý tăng tới 88,2% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý IV/2021, Phân bón miền Nam báo lãi 16,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 795 triệu đồng.

Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 2.109 tỷ đồng, tăng 52%, lợi nhuận sau thuế đạt 34,5 tỷ đồng gấp 11,4 lần so với năm 2020.

SFG tăng trần liên tiếp 3 phiên, Phân bón miền Nam làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Tình hình kinh doanh của Phân bón miền Nam qua các năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.670 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt 126,3% doanh thu và gấp 6,9 lần lợi nhuận đặt ra.

Vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của Phân bón miền Nam khá trồi sụt. Dữ liệu cho thấy, mặc dù doanh thu đều đạt mức khá nhưng lãi sau thuế khá teo tóp.

Cụ thể, năm 2018, doanh thu của Phân bón miền Nam đạt 2.241 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu giảm 27% về 1.627 tỷ đồng, lãi sau thuế chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 44,3 lần so với năm trước. Đến năm 2020, doanh thu giảm 14,6% còn 1.388 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng gấp đôi lên 3 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần phân bón Miền Nam tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương – Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam được thành lập theo quyết định số 426/HC-QĐ ngày 19/4/1976 của Tổng Cục Hóa Chất Việt Nam.

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam chính thức chuyển đổi hình thức quản lý sản xuất kinh doanh sau 34 năm thành lập sang hoạt động mô hình cổ phần hóa chính thức từ ngày 01/10/2010.

Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Phân bón miền Nam là: Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ; Sản xuất xi măng; thiết bị, dây chuyền sản xuất hóa chất; thức ăn gia súc, gia cầm....


Ong Lý
Cùng chuyên mục