“Sốc” với giá đất tại Đồng Hới
Cuộc đấu giá lịch sử
Trong 2 năm trở lại đây, TP. Đồng Hới đã tạo thêm nhiều quỹ đất mới để phát triển các dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau, giúp người dân địa phương có cơ hội “an cư lạc nghiệp”, cũng như giúp nhà đầu tư trên cả nước đến với Quảng Bình có thêm nhiều sự lựa chọn. Điều này tạo ra sự hấp dân của thị trường bất động sản Đồng Hới trong năm 2018.
Sự sôi động của thị trường bất động sản Đồng Hới năm 2018 tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, đầu năm 2019, Hana Land phối hợp với đơn vị phát triển dự án là Công ty Đất Xanh Bắc Miền Trung ra mắt 2 dự án đất nền giá rẻ là Eco Garden và EcoLife. Chỉ sau thời gian ngắn, cả hai dự án này nhanh chóng “cháy hàng”.
Tuy nhiên, phiên đấu giá Dự án tạo quỹ đất khu dân cư phía Đông Nam đường Lê Lợi (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) vào ngày 31/3 vừa qua mới thực sự khiến nhiều người bị sốc.
Theo đó, tại cuộc đấu này, 160 lô đất được thông báo đấu giá, nhưng đã có tới hơn 1.500 bộ hồ sơ tham gia. Đáng chú ý, các lô đất này đã được đấu hết ngay trong phiên đấu giá với mức giá cao gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm.
Cụ thể, giá khởi điểm lô đất 160 m2 là 960 triệu đồng, nhưng giá đấu thành công lên tới 1,56 tỷ đồng, tương đương 9,75 triệu đồng/m2. Có lô giá khởi điểm là 4,1 tỷ đồng/lô, nhưng giá đấu trúng lên tới 7,2 tỷ đồng…, cao ngang ngửa các sản phẩm đất biệt thự nghỉ dưỡng khu vực bán đảo Bảo Ninh.
Theo bà Hồ Thị Việt Hoài, một nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Đồng Hới, đây được xem là phiên đấu giá kỷ lục tại tỉnh Quảng Bình từ trước tới nay.
“Chúng tôi cảm thấy hụt hẫng, vì không ngờ giá đấu lại bị một số nhà đầu tư từ nơi khác đến đẩy lên cao như vậy, khiến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi, cũng như những người dân có nhu cầu ở thực tế không thể mua được”, bà Hoài nói.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo giới “cò đất” tại Đồng Hới, hiện quỹ đất tại TP. Đồng Hới còn rất nhiều, có thể kể đến khu vực chân cầu Nhật Lệ 2, tại mương Phóng Thuỷ, Tây Hữu Nghị và cả trong khu vực đông dân cư trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Đông Nam đường Lê Lợi, các nhà đầu tư lại đẩy giá lên quá cao như vậy.
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng T&Q (T&Q Holding) cho rằng, nếu so sánh với các vị trí có khả năng đầu tư và xây dựng nhà ở, thì vị trí dự án Đông Nam Lê Lợi hoàn toàn bất lợi so với các khu vực quỹ đất khác ở trung tâm thành phố như khu vực 36 m, Tây Hữu Nghị, Đức Ninh Đông, khu F325…
“Hầu hết người dân Đồng Hới không mặn mà với khu đất tại Đông Nam đường Lê Lợi, bởi khu vực này luôn là điểm ngập nước, lụt lội, bất tiện trong mọi hoạt động kinh doanh và sinh sống”, ông Quân cho biết thêm.
Cũng theo ông Quân, với mức giá đấu trúng trên, để có lời, giới đầu tư phải bán ra với mức giá 14 - 15 triệu đồng/m2. Điều này là rất khó, bởi giá đất tại khu vực Đông Nam đường Lê Lợi hiện chỉ rơi vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/m2. Thậm chí, giá đất tại nhiều khu “đất vàng” tại Đồng Hới như ven cầu Nhật Lệ 2, bán đảo Bảo Ninh, giá bán cũng chỉ dao động từ 11 - 13 triệu đồng/m2. Do vậy, nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc trước khi “xuống tiền”.
Ông Đặng Văn Phúc, trú tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới cho biết, trong phiên đấu giá tại khu Đông Nam đường Lê Lợi vừa qua, ông và nhiều nhà đầu tư địa phương sau khi nhận được thông báo giá sàn từ Trung tâm Phát triển Quỹ đất đã quyết định không tham gia vì thấy mức giá sàn đưa ra đã quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy vậy, ông và nhiều người đã hết sức bất ngờ khi kết thúc phiên đấu giá, các lô đất đã được “chốt” ở mức giá gấp 2, gấp 3 lần so với mức giá sàn.
“Cách đây vài tháng, vợ chồng tôi đầu tư một số khu đất tại chân cầu Nhật Lệ 2 với giá 11 triệu đồng/m2, nhưng đến nay vẫn chưa bán lại được. Vì thế, nhà đầu cơ nào ôm các khu đất ở Đông Nam đường Lê Lợi trong đợt đấu giá vừa qua cũng phải xem lại, chứ đẩy giá cao thì rủi ro sẽ rất lớn”, ông Phúc khuyến cáo.