"Sốc" với số lượng cuộc tấn công mạng vào doanh nghiệp tại Việt Nam
Trong năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về an ninh mạng, với sự gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi của các cuộc tấn công.
Theo thống kê, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận và xử lý 4.029 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Mặc dù con số này giảm 53,2% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng mức độ tinh vi và nguy hiểm của các cuộc tấn công ngày càng tăng.
Các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) tiếp tục là mối đe dọa lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel Threat Intelligence ghi nhận số lượng dữ liệu bị mã hóa lên đến 3 terabyte, gây thiệt hại ước tính hơn 10 triệu USD cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo số liệu được Hãng bảo mật Kaspersky công bố ngày 12/12/2024, tình hình các mối đe dọa mạng từ web nhắm đến các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á hết sức đáng lo.
Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn hơn 26 triệu mối đe dọa từ web nhắm vào các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, trung bình mỗi ngày các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á phải đối diện với 146.944 vụ tấn công mạng.
Malaysia đứng đầu danh sách các quốc gia bị tấn công an ninh mạng nhiều nhất với 19.615.255 mối đe dọa từ web trong 6 tháng đầu năm. Indonesia đứng ở vị trí thứ hai với 3.204.294 mối đe dọa.
Việt Nam (và Thái Lan) đứng ở vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng khu vực, với tổng số vụ tấn công trên web lần lượt là 1.445.452 và 1.057.732. Trong khi đó, tổng số mối đe dọa mà Philippines ghi nhận là 846.837 và tại Singapore là 574.292.
Về ransomware (tấn công bằng mã độc tống tiền), theo thống kê sơ bộ của Viettel Threat Intelligence, trong nửa đầu năm 2024, dữ liệu bị mã hóa trong các cuộc tấn công ransomware tại khu vực Đông Nam Á đã vượt hơn 7 Terabyte với tổng số tiền chuộc ước tính lên tới 13 triệu USD. Trong đó, tại Việt Nam là cao nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp, việc chủ động phòng ngừa và ứng phó là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp bảo vệ tài sản và uy tín của mình.