Sơn La: Xuất khẩu 5.000 tấn xoài, 8.100 tấn nhãn, chưa kể mận, chanh
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp năm 2016 – 2018, ông Lò Minh Hùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản đạt 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018.
Tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 150 triệu USD.
Đối với sản phẩm trái cây, tổng sản lượng trái cây xuất khẩu dự kiến khoảng 20.850 tấn, tăng 19,1% so với năm 2018, giá trị xuất khẩu phấn đấu đạt 15,5 triệu USD. Trong đó, xoài 5.000 tấn, nhãn 8.100 tấn, chanh leo 2.000 tấn, chuối 3.500 tấn, mận hậu 900 tấn, thanh long 300 tấn và sơn tra là 1.000 tấn.
Năm 2019, tỉnh Sơn la phấn đấu xuất khẩu 5.000 tấn xoài.
Về nông sản chế biến và nông sản khác, dự kiến năm 2019, xuất khẩu nông sản đã qua chế biến và nông sản khác đạt 114.467 tấn, giá trị ước đạt khoảng 126,3 triệu USD. Trong đó, chè khô là 8.400 tấn, cà phê nhân là 26.500 tấn, tinh bột sắn 60.000 tấn, cao su là 3.000 tấn, đường là 15.000 tấn, tơ tằm 12 tấn và cá tầm chế biến, đông lạnh 200 tấn…
Sản phẩm Na Sơn La được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, để đạt được giá trị xuất khẩu nông sản theo kế hoạch đề ra, theo ông Hùng, Sơn La đang thực hiện một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản như: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các HTX, hộ nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng và phát triển diện tích sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Củng cố và tăng cường các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, nhất là dán tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm tại các nước đã xuất khẩu. Sản phẩm nông sản trong nước phải có bao bì đảm bảo quy trình kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng sức cạnh tranh vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Sơn La chú trọng tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trong việc đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm đã và đang xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng tốt, giữ vững và khẳng định danh tiếng trên thị trường. Thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao 61 chuỗi nông sản an toàn thành chuỗi nông sản an toàn bền vững, tăng cường thị phần tiêu thụ tại hệ thống siêu thị đã được xây dựng trong năm 2018 như: Big C, Hapro Mark, Lotte, Vinmart, AEON…
Đẩy mạnh tập huấn, học tập mô hình để nâng cao chất lượng hoạt động và thành lập mới các HTX, nhất là các HTX trồng cây ăn quả theo hướng hoạt động đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu đang hoạt động.
Tỉnh tiếp tục thu hút khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến nông sản hữu cơ như: Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Green Path, Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn T&T và Công ty Nafood…
Giữ vững và đảm bảo sự tin cậy của thị trường, nhất là thị trường 12 nước năm 2018 đã xuất khẩu được sản phẩm chính ngạch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh việc buôn bán, quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ nhằm đảm bảo an toàn cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, năm 2019, tỉnh Sơn La sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của địa phương.