S&P 500 chứng kiến tuần tồi tệ nhất năm
Ông Trump vừa đẩy căng thẳng thương mại Mỹ Trung lên một nấc thang mới
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm hôm 2.8 sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1.9 và quan ngại những đòn trả đũa từ Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ cũng công bố báo cáo tăng trưởng việc làm trong tháng 7.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 98,41 điểm xuống 26,485,01 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch. Trong ngày, có thời điểm Dow Jones giảm sâu 334,20 điểm. Chỉ số S & P 500 lùi 0,7% xuống 2.932,05 điểm. Chỉ số tổng hợp NASDAQ trượt 1,3%, đóng cửa ở mức 8,004.07 điểm. Như vậy, sau tuyên bố áp thuế của ông Trump, cả 3 chỉ số chính đều giảm xuống dưới mức trung bình trong 50 ngày qua, sau khi liên tục thiết lập kỷ lục trong tháng 7.
Kết thúc tuần, chỉ số S&P giảm 3,1% còn NASDAQ giảm 3,9%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu năm 2019. Chỉ số Dow Jones cũng chứng kiến mức giảm tuần 2,6%.
Caterpillar và Deere, hai cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn của thương mại quốc tế tiếp tục giảm 1,5%. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF (SMH) trượt 1,4%, dẫn đầu bởi mức giảm 4,2% của cổ phiếu Skyworks Solutions.
Hôm 1.8, ông Trump khiến thị trường dậy sóng khi đe dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế có hiệu lực từ 1.9. Ông sau đó tuyên bố có thể tăng thuế lên 25% nếu Bắc Kinh trả đũa hoặc sẵn sàng từ bỏ mức thuế một khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ như những gì họ cam kết.
Động thái này đã phá vỡ thỏa thuận đình chỉ chiến tranh thuế quan mà cả hai bên đạt được tại hội nghị thượng đỉnh G20, điều có thể phá vỡ chuỗi cung ứng và dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên tiếng đáp trả, cho rằng Mỹ nên từ bỏ ảo tưởng và trở lại đúng hướng trên bàn đàm phán nếu mong muốn kết thúc chiến tranh thương mại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh sau đó tuyên bố Bắc Kinh sẽ có biện pháp đối phó một khi Mỹ áp đặt thuế quan bổ sung với hàng hóa nước này.
Cũng trong hôm 2.8, Chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo việc làm trong tháng 7 cho thấy mức tăng trưởng việc làm đạt 164.000, gần ngang bằng với ước tính của các nhà kinh tế Dow Jones là 165.000. Mức tăng này đã đẩy quy mô lực lượng lao động Mỹ lên cao kỷ lục. Tiền lương cơ sở tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức dự báo của Dow Jones 0,1%.
Việc tiền lương tăng mạnh có thể được coi là dấu hiệu của lạm phát gia tăng, điều có thể sẽ tạo động lực cho FED hạn chế cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm khi mà có khả năng mức lạm phát sẽ tiệm cận ngưỡng mục tiêu 2%. Hôm 31.7, FED tuyên bố cắt giảm lãi suất 0,25%, chủ tịch FED Jerome Powell khiến thị trường thất vọng khi bỏ ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất trong những tháng tiếp theo.