Tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu với thịt và lợn sống
Cụ thể sáng 7/3, do lo ngại diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, nhiều người dân tại các quận trên địa bàn TP. Hà Nội, ồ ạt mua sắm, tích trữ thực phẩm khiến giá thịt lợn tăng cao. Giá thịt lợn tại một số chợ truyền thống liên tục tăng "phi mã", có thời điểm đạt mức xấp xỉ 300.000 đồng/kg.
Trước tình hình trên, theo đại diện cục XNK, nhằm đảm bảo công tác bình ổn cung cầu trong nước, ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và dịch bệnh Covid-19 đang phát sinh, Bộ Công Thương đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại.
"Qua đó, cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách thành công, hiệu quả phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Thú y, Bộ NN&PTNT trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm", đại diện Cục XNK cho hay.
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên trao đổi, làm việc với các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn.
"Cục XNK sẽ duy trì phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19", đại diện cục XNK cho hay.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong ngày 8/3, tại các cửa khẩu Việt – Trung thuộc địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh,… hoạt động xuất nhập khẩu đã diễn ra sôi nổi, tuy nhiên, lượng hàng tồn đọng vẫn là khá lớn.
Tại Lạng Sơn, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất gia công, quá cảnh là 580 xe. Trong đó, tổng lượng xe hàng xuất khẩu đạt 284 xe, xe nhập là 296 xe.
"Cụ thể, tại cửa khẩu Hữu Nghị, xuất 75 xe nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, máy móc. Nhập 264 xe linh kiện điện tử, máy móc, hàng may mặc, nông sản, giấy, sơ mi rơ móc, phụ tùng ô tô... Tồn 160 xe xuất khẩu gồm nông sản, linh kiện điện tử.
Cũng trong ngày 8/3, cửa khẩu Tân Thanh xuất 108 xe nông sản, hoa quả gồm dưa hấu, thanh long, chuối, xoài, mít, tinh bột sắn, đỗ đỏ, lá tre , lạc... Nhập 27 xe nông sản gồm hành tây, tỏi, hành củ, nấm, dưa vàng, mã thầy tươi... Và tồn 327 xe nông sản, hoa quả đang chờ làm thủ tục xuất khẩu", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, tại cửa khẩu Cốc Nam đã ghi nhận hoạt động xuất khẩu 72 xe nông sản, hoa quả; tồn 11 xe gồm lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh. Cửa khẩu Chi Ma đã xuất khẩu 29 xe gồm hạt tiêu, tinh bột sắn, long nhãn, nhập 5 xe hàng dệt kim, tạp hóa và tồn 32 xe đang chờ xuất khẩu.
Tại tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 1,4 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu 219 xe, trị giá 0,99 triệu USD, nhập khẩu 178 xe, trị giá 0,41 triệu USD.
Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã xuất khẩu 09 xe sợi cotton, trị giá 14,9 tỷ đồng và không phát sinh hoạt động nhập khẩu.
"Hàng chờ xuất khẩu tại Móng Cái gồm 422 container gồm 377 container hàng thực phẩm đông lạnh và 45 container hàng khô các loại. Tại lối mở Km3+4, xuất khẩu 18 xe gồm tinh bột sắn, thanh long, hải sản tươi sống trị giá 5,1 tỷ đồng.
Tại Hà Giang, xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đạt 31 xe đạt 653 tấn, trị giá 0,2 triệu USD gồm thanh long, ván, nhãn, ớt, tinh bột săn, dưa hấu. Không có hàng tồn tại cửa khẩu". đại diện Bộ Công Thương thông tin.