Tetra Pak rót thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở Bình Dương: DN FDI vẫn tin triển vọng kinh tế Việt Nam

27/09/2021 17:57 GMT+7
Việc tăng cường đầu tư thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở KCN VSIP II-A của Tetra Pak trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 hiện tại phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

Theo thông tin từ Chính phủ, Tetra Pak mới đây tuyên bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro (khoảng 133 tỷ đồng) vào dự án nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro (3.196 tỷ đồng) tại tỉnh Bình Dương.

“Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch” - trích lời ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam.

Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ mức 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp trong tương lai, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước cũng như khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm dây chuyền sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.

Tetra Pak rót thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở Bình Dương: DN FDI tin tưởng triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Tetra Pak rót thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở Bình Dương

Được xây dựng từ cuối năm 2017 trước khi chính thức đi vào vận hành tháng 7/2019, nhà máy Tetra Pak Bình Dương có trị giá 120 triệu Euro với diện tích 100.000m2 nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A (VSIP II-A). Với đội ngũ hơn 200 nhân viên trình độ tay nghề cao, Tetra Pak Bình Dương sản xuất sản phẩm hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Úc và New Zealand.

Thông tin Chính phủ cho hay khi làn sóng dịch Covid-19 mới nhất bùng phát tại Bình Dương, Tetra Pak Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất.

Việc tăng cường đầu tư thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở KCN VSIP II-A của Tetra Pak trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 hiện tại phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, do làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4, chính phủ và các chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành buộc phải triển khai hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đà lây lan dịch bệnh. Các nhà phân tích dự báo các hạn chế kiểm dịch sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Dự báo cập nhật mới nhất của WB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 4,8% trong năm 2021.

Phân tích của WB về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cho thấy trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi vốn đầu tư giải ngân đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam nhận định: “Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”. 

Theo các chuyên gia WB, có nhiều lý do khiến nhà đầu tư FDI tiếp tục duy trì niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, lý do quan trọng nhất là Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP tối (2,9% trong năm 2020 - thời điểm mà phần lớn các nền kinh tế khác báo cáo tăng trưởng âm do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19). Điều này phản ánh phần nào nền tảng vững chắc và sức mạnh nội tại của nền kinh tế. 

Theo tiết lộ của bà Dorsati Mandani khi tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI, có thông tin một tập đoàn sản xuất lương thực toàn cầu cho biết đang đầu tư 180 triệu USD nữa vào Việt Nam vì tin tưởng vào triển vọng kinh tế nước ta, một nền kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển.

Chuyên gia cao cấp của WB nhận định Chính phủ Việt Nam đang tích cực hành động để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là một sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược “thích ứng an toàn linh hoạt với dịch Covid-19”.

Với tư cách là đối tác phát triển lâu năm, WB đang có các kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới. Cho đến nay, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt các hoạt động hỗ trợ tín dụng ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị Chính phủ nên hỗ trợ các DN thích ứng với môi trường mới bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ kỹ thuật số mới, bảo đảm sức cạnh tranh của DN.

Trước đó, để hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, vào tháng 4 năm nay, Chính phủ đã công bố gói hoãn nộp thuế đến cuối năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng công bố hàng loạt chương trình hỗ trợ hộ gia đình, người lao động trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng bởi đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục