Thế giới hướng tới năng lượng sạch, than đá vẫn là "vua" ở Đông Nam Á

02/10/2019 15:12 GMT+7
Ngay cả khi vấn đề ô nhiễm môi trường đang khiến toàn cầu chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, than vẫn là nhiên liệu chủ đạo của các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia.
Thế giới hướng tới năng lượng sạch, than đá vẫn là "vua" ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Những nhà máy điện than vẫn đang tăng lên tại Đông Nam Á, tiêu biểu là Việt Nam và Indonesia

Những tác hại tàn phá môi trường từ than đã được cảnh báo trên toàn thế giới. Xu hướng giảm sử dụng than, tìm đến các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, thực tế dường như đi ngược lại xu hướng này. Jacqueline Tao, chuyên gia tư vấn tại Wood Mackenzie hôm 25/9 cho rằng: "Thực tế nhu cầu năng lượng ngày một tăng lên và khả năng chi trả giữ nguyên tại khu vực Đông Nam Á đồng nghĩa với việc các nhà máy điện than sẽ chỉ giảm dần sau năm 2030".

"Giờ đây, than vẫn là "vua" trong thị trường điện Đông Nam Á" - theo Wood Mackenzie, bất chấp việc ngành công nghiệp than từ lâu đã đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà vận động vì môi trường. Nghiên cứu của công ty này còn cho thấy nhu cầu than tại khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển và đạt đỉnh vào khoảng năm 2027 trước khi chậm lại. Sự gia tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi hai quốc gia Việt Nam và Indonesia. Cho đến năm 2040, điện than sẽ chỉ còn chiếm 36% trong cơ cấu năng lượng sản xuất điện của khu vực này. Trong đó, nhu cầu than đá của Việt Nam và Indonesia sẽ chiếm gần 60% tổng nhu cầu của khu vực.

Hồi năm 2018, dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng chỉ ra nhu cầu than toàn cầu đã tăng 0,7%, mức tăng trung bình năm thứ hai liên tiếp. Theo đó, Ấn Độ và Đông Nam Á là 2 khu vực có tăng trưởng tiêu thụ than mạnh mẽ nhất. Tương tự như Wood Mackenzie, IEA nhận định từ nay cho đến năm 2023, cầu than của thế giới vẫn ổn định do sự giảm nhu cầu của Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ bù lại sự tăng nhu cầu của Ấn Độ và Đông Nam Á.

Nhìn chung, về dài hạn, Wood Mackenzie nhận định các ngân hàng sẽ dần hạn chế tài trợ cho những dự án điện than khi mà các Chính phủ dần cam kết chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh đó, các nhà máy năng lượng gió, năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn cung năng lượng chủ lực của Đông Nam Á vào năm 2040, chiếm khoảng 35% tổng cung. Cũng theo ước tính của Wood Mackenzie, đầu tư vào nhà máy năng lượng gió và mặt trời sẽ đạt tới 89 tỷ USD từ nay đến năm 2040.

Đông Nam Á đối mặt với thách thức từ năng lượng tái tạo

Thế giới hướng tới năng lượng sạch, than đá vẫn là "vua" ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Các nhà máy điện than đang dần biến mất tại Châu Âu, nhường chỗ cho nhà máy năng lượng sạch

Dù khẳng định rằng trong tương lai, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ thay thế điện than trở thành nguồn năng lượng chủ lực tại khu vực Đông Nam Á nói chung và toàn thế giới nói riêng, nhưng những thách thức liên quan đến công nghệ và chi phí xây dựng... chắc chắn sẽ là vấn đề nan giải. 

Một ví dụ, các nhà phân tích từ Moody hồi tháng 9 đã nhận định các mục tiêu năng lượng sạch do Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đề ra là khó mà đạt được. Chính phủ nước này đặt mục tiêu sản xuất 23% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, gấp đôi năng suất 12% hiện nay. Nhưng trong bối cảnh nguồn cung than dồi dào và giá rẻ hiện nay, liệu Indonesia có dễ dàng đạt đến mục tiêu ấy? Lưu ý là năng lượng than hiện đang nhận được trợ cấp từ Chính phủ Indonesia, khiến giá của nó càng trở nên hấp dẫn so với năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Indonesia là một quần đảo rộng lớn, nhiều hòn đảo không có mạng lưới điện mạnh, việc tìm kiếm, tổ chức các địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện tái tạo để cung cấp cho cả quốc gia là vô cùng khó khăn.

Trung Quốc tăng đầu tư vào điện than

IEA dự đoán nhu cầu điện than của người dân Trung Quốc sẽ giảm khoảng 3% trong năm 2023. Tuy nhiên, nghịch lý là các nhà đầu tư Trung Quốc giờ đây lại ồ ạt đầu tư vào những dự án điện than nước ngoài. 

Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đầu tư lớn vào các dự án nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng 4, một số nhà đầu tư Nhật Bản đã phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới ven bờ biển sau khi hàng loạt phản ứng chính trị xã hội rộ lên trong nước. 

Nhìn chung, chặng đường giảm thiểu năng lượng than, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vẫn là một hành trình dài trong mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục