Thị trường chăn nuôi bị bủa vây khó khăn, giá khó "ngóc đầu" lên được

19/03/2022 06:52 GMT+7
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn những tháng tới bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch ASF (tả lợn châu Phi) vẫn phức tạp với chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tháng 1, tổng số lợn nuôi cả nước ước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Tính đến ngày 24/2, cả nước không còn dịch heo tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch ASF còn ở 29 địa phương chưa qua 21 ngày. 

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết hiện cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

Về tình hình dịch ASF, dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2021, song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh này bùng phát tại một số nơi ở một số địa phương vẫn rất lớn, nhất là thời điểm giao mùa sắp tới. 

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục ở một số tỉnh cơ bản đã được khống chế, không còn xuất hiện trường hợp mắc bệnh mới. Tuy nhiên, dịch ASF vẫn xuất hiện, cho thấy diễn biến phức tạp của loại dịch bệnh này. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay, số lượng hộ chăn nuôi ở quy mô nông hộ chiếm đa số và hầu hết có điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học. Một số hộ còn chăn nuôi theo phương thức thả rông. Mặt khác, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ ngày càng phức tạp dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm và lây lan ngày càng cao.

Giá lợn hơi trung bình của Việt Nam đã giảm khoảng 1,8 – 8% trong tháng 2/2022.

Giá lợn hơi trung bình của Việt Nam đã giảm khoảng 1,8 – 8% trong tháng 2/2022.

Tháng 2, giá lợn hơi trung bình cả nước tương đối ổn định vào đầu tháng vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra vào thời điểm này. Tuy nhiên từ sau Tết, giá lợn hơi lao dốc trở lại. Người Việt Nam có truyền thống mua dự trữ đồ trước Tết, vì vậy đây có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân giảm mạnh sau đó.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng lợn nuôi vẫn liên tục phục hồi khiến nguồn cung trên thị trường tăng. Cụ thể, giá đã giảm khoảng 1,8 – 8% trong tháng 2 xuống phổ biến trong khoảng 53.000 – 54.000 đồng/kg. Hiện sang giữa tháng 3, giá lợn hơi vẫn lên xuống thất thường, nhưng biên độ tăng giảm vẫn không lớn.

Thị trường chăn nuôi bị bủa vây khó khăn, giá khó "ngóc đầu" lên được - Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và Thương mại tổng hợp

Ghi nhận trong ngày 18/3, giá lợn hơi biến động trái chiều, mức tăng - giảm dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/kg phổ biến tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Tại miền Bắc, lợn hơi tại Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên điều chỉnh tăng từ 1 - 3 giá, trong đó Hưng Yên và Bắc Giang tăng mạnh nhất, vọt lên 57.000 đồng/kg. Trái lại, tại Thái Nguyên lại điều chỉnh giảm 1 giá, đưa giá lợn hơi toàn khu vực dao động trong khoảng 51.000 - 57.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây nguyên, giá lợn xuất chuồng ở Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh và Thanh Hóa cũng tăng từ 1 - 2 giá, lên 53.000 - 54.000 đồng/kg. Ngược lại, Quảng Bình và Quảng Trị quay đầu giảm 2 giá, giao dịch ở mức thấp nhất khu vực là 52.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại miền Trung và Tây nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, mức tăng giảm cũng từ 1 - 2 giá. Theo đó, lợn hơi tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau và Bến Tre cùng tăng 1 giá, trong khi nhiều tỉnh thành khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng điều chỉnh giảm 1 - 2 giá, đưa giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, trong khi việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ khó tăng đột biến trong năm 2022.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu 10,7 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá 23,58 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với tháng 12/2021. 

So cùng kỳ năm ngoái, khối lượng nhập khẩu tăng 5,5%, nhưng giảm 2,5% về trị giá. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.203 USD/tấn, giảm 0,1% so với tháng 12/2021 và giảm 8,2% so với tháng 1/2021. 

Trong giai đoạn này, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 20 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 40,2%; Nga chiếm 21,7% và Đức chiếm 13,1%.

Thị trường chăn nuôi bị bủa vây khó khăn, giá khó "ngóc đầu" lên được - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch ASF vẫn phức tạp với chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. 

Trong khi đó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. 

Dự báo hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, vì các biện pháp phòng dịch ASF đã giúp các nhà chăn nuôi lớn tránh được những đợt bùng dịch quy mô lớn.

Nhiều công ty sản xuất đã thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ 200 đến 300 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá khoảng thứ 9 - 10, kể từ đầu năm 2021. Lý do nâng giá bán được các công ty đưa ra là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, tăng cao trong thời gian qua.

Ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó xung đột Nga – Ukraine và kèm theo các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đã làm tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản. Giá nguyên liệu đầu vào như lúa mỳ, ngô… đã tăng lên khoảng 10-20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 2/2022, Việt Nam nhập khẩu 275,87 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 12,5% so với cùng kì năm 2021.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 627,86 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 1,14% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục