Thị trường chứng khoán lo gánh nặng chi phí bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ

10/04/2019 17:44 GMT+7
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Mỹ báo cáo lợi nhuận quý sụt giảm dù doanh thu tăng cao. Đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện này trong vòng 10 năm qua. Lợi nhuận quý I của các công ty S&P 500 dự kiến sẽ giảm 2,5% so với một năm trước

Một chiếc xe hơi chờ vào khu vực an ninh tài chính gần Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
tại New York - Mỹ, ngày 23/ 3/ 2017. Ảnh: REUTERS / Brendan McDermid

Kết quả kinh doanh quý 1/2019 của các công ty S&P 500 chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì sẽ bị đem ra so sánh với năm ngoái - thời điểm chương trình cải cách thuế của Mỹ đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng hơn 20%.

Còn năm nay, khi chi phí tăng kèm theo hậu quả từ các vấn đề về thuế quan, các nhà phân tích nhận thấy tỷ suất lợi nhuận đã giảm 1,1 điểm phần trăm. Các dữ liệu IBES của Refinitiv cho thấy đây là lần giảm lợi nhuận đầu tiên trong vòng hai năm qua.

“Doanh nghiệp đang phải chịu chi phí đầu vào cao, chi phí lao động tăng lên do lương tăng”, Kristina Hooper, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco (New York) cho biết.

Lợi nhuận quý I của các công ty S&P 500 dự kiến ​​sẽ giảm 2,5% so với một năm trước, đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận quý lần đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2016. Trong khi đó, doanh thu lại tăng 4,8%.

Chi phí cho một số nguyên liệu thô như nhôm đã tăng lên do Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Thu nhập ròng của quý đầu tiên thường rất quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, bởi một số nhà đầu tư coi đây là chất xúc tác để nâng giá cổ phiếu lên thật cao hoặc dội một gáo nước lạnh vào thị trường.

Các cổ phiếu đã bật tăng trở lại từ sau đợt bán tháo cuối năm 2018 nhờ những niềm tin lạc quan rằng Mỹ có thể ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ không tăng tiếp lãi suất ngay.

Delta Air Lines sẽ phải công bố báo cáo vào thứ Tư, trong khi báo cáo của JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co sẽ được công bố vào thứ Sáu. Kết quả kinh doanh của Netflix và một số tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp như Honeywell International dự kiến ​​sẽ công bố vào tuần tới.

Dự đoán không nhất quán

Lần gần đây nhất lợi nhuận giảm trong khi doanh thu tăng là quý 3 năm 2008, khi doanh nghiệp Mỹ đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, các chiến lược gia có ý kiến khác nhau khi dự đoán kết quả kinh doanh những tháng còn lại của năm nay.

Cũng chẳng có gì bất thường khi các nhà phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào các công ty S&P 500.

Theo dữ liệu của Refinitiv, hồi năm 1994, khoảng 3,2% các công ty S&P 500 đã không đạt kỳ vọng về lợi nhuận và một số chiến lược gia cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ không tăng tiếp sau quý đầu tiên.

Còn quý I năm nay, dựa trên 23 công ty S&P 500 đã báo cáo, 83% các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.

Nick Raich, Giám đốc điều hành của The Earnings Scout, một công ty nghiên cứu độc lập cho biết, “Cột biểu thị lợi nhuận quý đầu tiên của các doanh nghiệp Mỹ thấp tới mức gần như là không thấy đâu”.

Tăng trưởng doanh thu dự kiến ​​trong suốt phần còn lại của năm có thể phần nào giúp các nhà đầu tư bỏ qua việc lợi nhuận quý I giảm sâu.

“Tăng trưởng doanh thu cực kỳ ổn định trong suốt năm 2018 và dự kiến ​​sẽ duy trì như vậy trong năm tới”, Jonathan Golub, Trưởng bộ phận chiến lược nguồn vốn Mỹ của Credit Suisse Securities (New York), đã nêu trong một bài viết hôm thứ Hai.

Ông này viết “Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ tập trung vào chiều rộng và tính ổn định của các kết quả chính, chứ không quá áp lực với mức lợi nhuận biên quý 1”.

Các dấu hiệu cảnh báo

Những nhà chiến lược khác lại thận trọng hơn. Theo Michael Wilson, nhà chiến lược nguồn vốn của Morgan Stanley, kết quả quý đầu tiên có khả năng là dấu hiệu bắt đầu của một đợt suy thoái lợi nhuận đối với nhóm S&P 500, khi có hai quý giảm lợi nhuận liên tiếp.

“Chỉ số hàng đầu về tăng trưởng lợi nhuận của chúng tôi cho thấy [quý đầu tiên] sẽ không phải là điểm thấp nhất trong năm nay”, ông Wilson nêu trong bài viết của mình.

Dấu hiệu cảnh báo tới từ các doanh nghiệp ngành công nghệ. Các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn có doanh thu lớn từ Trung Quốc sẽ nhạy cảm nhất với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ đã vượt trội hơn so với thị trường nói chung. Tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa có số liệu về ước tính lợi nhuận quý IV trong khi ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề tăng lợi nhuận biên lại nhiều hơn trước đây.

Thu nhập ròng quý đầu năm nay của các công ty công nghệ S&P 500 dự kiến ​​sẽ giảm 6,1%, theo Refinitiv.

Ông Wilson cho rằng cần phải theo dõi lợi nhuận của doanh nghiệp và rằng áp lực tiền lương có vẻ như đang tăng lên. Ông lưu ý rằng các báo cáo gần đây đề cập nhiều tới vấn đề chi phí lao động, nhiều nhất kể từ năm 2005, trong khi doanh nghiệp đang cần tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên các ngành khác nhau có hiệu quả hoạt động quý đầu tiên khác nhau.

Một số ông lớn như Apple và Exxon Mobil có mức tỷ suất lợi nhuận giảm sút, nhưng không phải tất cả các công ty S&P 500 đều giảm, ông Golub cho biết.

Dù đã tăng mạnh trong quý đầu tiên, giá dầu vẫn giảm so với năm ngoái và lợi nhuận của các công ty S&P 500 ngành năng lượng dự kiến ​​sẽ giảm 21,2%.

Đồng đô la tăng giá có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các công ty đa quốc gia của Mỹ, bởi đồng đô la mạnh hơn có nghĩa là thu nhập bằng ngoại tệ của những công ty này có giá trị thấp hơn.

Trong quý I, đồng đô la đã tăng 6,2%, đạt mức cao nhất so với những năm trước tính từ quý IV năm 2015.

Binky Chadha, Trưởng bộ phận nguồn vốn Mỹ, chiến lược gia toàn cầu và và là Trưởng bộ phận phân bổ tài sản của Deutsche Bank tại New York cho biết, đồng đô la tăng giá kéo theo mức lợi nhuận quý I giảm 2,4 điểm phần trăm. Nhưng ông cũng nói thêm rằng ảnh hưởng của việc tăng giá đồng đô la có vẻ như đang giảm dần.

Quỳnh Diệp
Cùng chuyên mục