Thị trường giảm "sốc", Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng
Ngày 26/10, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một phiên biến động mạnh theo hướng điều chỉnh giảm sâu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/10, chỉ số VN-Index giảm -46,21 điểm, dừng lại ở mức 1.055,45 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm -12,03 điểm, đóng cửa tại 214,98 điểm; và chỉ số UPCoM-Index giảm -2,7 điểm, còn 82,79 điểm.
Tuy nhiên điểm tích cực là dòng tiền nhập cuộc tốt giúp thanh khoản thị trường hôm nay bật tăng rất mạnh. Tính trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt mức 23.244 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 22.198 tỷ đồng, tăng +129,46% so với phiên trước. Tính chung trên toàn thị trường, giá trị khớp lệnh trong phiên đã đạt mức 23,5 nghìn tỷ đồng.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định, thị trường chứng khoán trong nước vẫn duy trì hoạt động ổn định, mặc dù chịu tác động lớn từ nhiều yếu tố khách quan từ kinh tế vĩ mô toàn cầu và tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới.
Dù có sự biến động tăng/giảm xen kẽ dưới tác động tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng thị trường chứng khoán vẫn cho thấy sự ổn định thông qua sự cải thiện về thanh khoản, cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới gia tăng tích cực.
Cụ thể, sau quý đầu năm khá bình lặng, thanh khoản thị trường quý II và quý III/2023 đã có sự khởi sắc, khi giá trị bình quân phiên tháng tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng/phiên; 25.667 tỷ đồng/phiên trong tháng 8; và 25.264 tỷ đồng/phiên trong tháng 9/2023. Tính đến ngày 25/10, thanh khoản thị trường có giảm do tâm lý nhà đầu tư thận trong hơn sau chu kỳ tăng dài, cũng như các yếu tố không tích cực từ thị trường thế giới. Hôm nay, khi giá điều chỉnh giảm đủ hấp dẫn, thanh khoản đã tăng trở lại khi giá trị khớp lệnh đạt trên 23,5 nghìn tỷ đồng/phiên, gần tương đương với mức thanh khoản giai đoạn tháng 8, 9 năm nay.
Cùng với đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục gia tăng thời gian qua, cho thấy tính hấp dẫn của thị trường. Trong 9 tháng, nhà đầu tư đã mở mới thêm 926.200 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 7,8 triệu tài khoản, tăng 13,4% so với cuối năm 2022.
Đại diện UBCKNN cũng cho biết thêm, diễn biến của thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và trên thế giới như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, áp lực điều hành tỷ giá… Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư cùng với việc lãi suất hạ nhiệt đã hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường chứng khoán trong nước vì thế vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì thanh khoản tích cực, cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Đại diện UBCKNN cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá toàn diện về các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cẩn trọng với tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng với quyết định đầu tư.
"Cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, kiểm tra các hành vi có dấu hiệu trục lợi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, giả tạo trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán" – đại diện UBCKNN khẳng định.