Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đổ vỡ, giá dầu có nguy cơ chạm đáy 20 USD/ thùng
Ông Ali Khedery, cựu cố vấn cấp cao khu vực Trung Đông của Exxon, hiện là CEO tập đoàn chiến lược Dragoman Ventures viết trên Twitter : “Giá dầu sẽ rớt xuống 20 USD/thùng trong năm 2020. Một cú sốc địa chính trị. Một kích thích với những người tiêu dùng cá nhân. Một thảm họa cho những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iraq, Iran… và có thể kết hợp với dịch virus corona tạo nên thất bại lớn”.
Nhận định được đưa ra sau khi giá dầu tụt hơn 30% so với mức đỉnh thời đại hồi tháng 1 sau phiên giao dịch hôm 6/3, khi các nước đồng minh OPEC dẫn đầu là Nga không đồng thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,5 triệu thùng như OPEC khuyến nghị. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, hôm 6/3, giá dầu Brent tương lai đã giảm 9,4% xuống 45,27 USD/ thùng trong khi giá dầu WTI tương lai giảm hơn 10% xuống 41,28 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Thị trường đang dự báo giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh những quốc gia trụ cột của OPEC có thể tăng sản lượng dầu từ 9,7 triệu thùng/ ngày hiện tại lên mức hơn 10 triệu thùng/ ngày.
OPEC+ đã họp hôm 6/3 để thuyết phục các nước đồng minh cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ ngày nhằm bảo vệ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới giảm mạnh vì dịch virus corona. Nhưng các nước đồng minh bao gồm Nga đã phủ quyết một thỏa thuận như vậy. Cùng với đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng/ ngày được OPEC+ thông qua trước đó cũng sắp hết hạn vào cuối tháng 3. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ tháng 4, các nước có thể sản xuất bao nhiêu dầu tùy thích, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. “Từ ngày 1/4, các nước có thể sản xuất dầu mỏ mà không cần bận tâm đến những hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi không theo sát và phân tích các diễn biến của thị trường” - ông Novak cho hay.
Với cách hiểu như vậy, Arab Saudi thậm chí có thể sản xuất tới 12,5 triệu thùng dầu/ ngày.
Trong trường hợp các nước tăng sản lượng sản xuất dầu, một cuộc chiến giá cả và thị phần sẽ bùng nổ khi nhu cầu dầu trên thế giới giảm mạnh vì dịch virus corona. Điều này trái ngược hoàn toàn viễn cảnh cắt giảm sản lượng để bảo vệ giá dầu mà OPEC hy vọng.
Một cuộc đua thị phần giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ?
Việc Arab Saudi vừa tuyên bố giảm giá dầu trong tháng 4 còn Nga thì không thông qua khuyến nghị cắt giảm sản lượng dầu của OPEC đã phản ánh cách tiếp cận ưu tiên mở rộng thị phần hơn là ổn định thị trường và bảo vệ giá dầu của các quốc gia.
Sản lượng dầu hiện tại ở Trung Đông và Bắc Phi đang thấp hơn 2 triệu thùng/ ngày so với mức sản lượng kỷ lục kể từ năm 2018, nghĩa là còn nhiều dư địa tăng cho các nước sản xuất dầu mỏ nếu quyết định lao vào cuộc đua thị phần.
“Việc các thành viên OPEC+ chọn tăng sản lượng dầu từ quý II sẽ khiến một làn sóng cung dầu lớn tràn ra thị trường. Chúng ta sẽ thấy Arab Saudi, UAE và nhiều nhà sản xuất lớn khác của OPEC tăng sản lượng dầu trong các quý tiếp theo khi họ trở lại chiến lược tranh giành thị phần thay vì bình ổn giá” - Edward Bell, nhà phân tích thị trường từ Emirates NBD nhận định.
Bên ngoài OPEC, Nga cũng đang theo đuổi chiến lược tranh giành thị phần khi sản lượng hiện cách mức cao nhất 130.000 thùng. Lượng dầu tồn kho chắc chắn sẽ tăng đột biến trong ít nhất 3 quý đầu năm 2020, trong khi nhu cầu dầu vẫn chưa phục hồi sau dịch virus corona. Giá dầu chắc chắn sẽ giảm mạnh, câu hỏi đặt ra chỉ là mức giảm bao nhiêu.
Không phải ai cũng bi quan như Ali Khedery, người dự báo giá dầu rớt xuống kỷ lục 20 USD/ thùng. Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể chạm đáy 35 USD/ thùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giá cả, hoặc dưới mức 40 USD/ thùng trước khi phục hồi.
Emirates NBD dự báo giá dầu thô Brent bình quân 45 USD / thùng và giá dầu WTI ở mức 40 USD/ thùng trong quý II trước khi phục hồi vào nửa cuối năm.