Thu nhập cao từ trồng hồ tiêu hữu cơ
Thời gian gần đây, giá hồ tiêu liên tục sụt giảm đã đẩy nhiều hộ nông dân vào khó khăn. Tuy nhiên, gia đình ông Lê Văn Bạo ở thôn 10 (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) vẫn sống khỏe nhờ vào nguồn thu nhập ổn định từ 2ha tiêu hữu cơ.
Trong khu vườn rộng lớn, những trụ tiêu vươn lên mơn mởn, sai trái. Nông dân này thổ lộ, nhiều năm trước, vì muốn sản xuất nguồn hàng sạch, an toàn cho sức khỏe nên ông tìm hiểu về quy trình hữu cơ.
Biết mô hình mới này sẽ nhiều khó khăn nhưng ông quyết định bắt tay vào thực hiện. Ông Bạo chia sẻ: “Trước đây, tôi sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng bây giờ bỏ hết, không sử dụng. Các chất kích thích tăng trưởng cũng không được sử dụng”.
Bới một nắm đất ở gốc trụ, ông Bạo gạt thành lớp mỏng và cho biết, kể từ ngày đoạn tuyệt với phân bón vô cơ, đất vườn ngày càng tơi xốp, có độ ẩm cao và giun đất nhiều.
Vì yêu cầu nghiêm ngặt của quy trình hữu cơ nên việc cắt cỏ, bỏ cây dại ở nền đất vườn cũng được gia đình ông Bạo thực hiện thủ công. Để cây đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, nông dân này áp dụng các loại phân bón hữu cơ và tưới bằng nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm.
“Hồ tiêu hữu cơ ở vườn được đánh giá cao nên mấy năm qua, toàn bộ nông sản của gia đình được Công ty gia vị Sơn Hà bao tiêu với giá 80.000-85.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp đôi so với giá thị trường”, ông Bạo thổ lộ.
Ở huyện Đắk Song, gia đình ông Đào Văn Nga ở xã Thuận Hạnh là hộ điển hình về phát triển hồ tiêu hữu cơ. Nông dân này hiện có khoảng 19ha tiêu và đang cho thu hoạch với năng suất cao.
Cầm trên tay những quả tiêu căng tròn, đang giai đoạn chuyển màu, ông Nga không giấu được niềm vui, tâm sự: “Năm nay dự kiến thu về khoảng 90 tấn hạt. Năm vừa rồi, gia đình đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với một doanh nghiệp với giá gần 80.000 đồng/kg”.
Ông thổ lộ, gia đình chăm sóc theo quy trình truyền thống và đến năm 2014 thì tiêu trên vườn bỗng nhiên chết hàng loạt. Những cây còn sống thì phát triển chậm hoặc mắc chứng bệnh vàng lá. Biết khu vườn đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, ông tìm cách khống chế dịch bệnh, gắng cứu cây nhưng mọi nỗ lực không mang lại hiệu quả.
“Tiêu chết và tôi nhận ra rằng khả năng đây là hậu quả của quá trình chăm sóc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, cần thay đổi quy trình làm vườn.
Tôi quyết định sử dụng trụ sống để trồng tiêu và tự ủ phân chuồng với men vi sinh để bón, không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật độc hại hay nguồn phân bón hóa học nào.
Mọi sự chăm bón cây đều thuận theo tự nhiên. Khi khu vườn có được môi trường tốt, tiêu sinh trưởng rất nhanh và độ kháng bệnh rất cao”, ông Nga thổ lộ và cho biết thêm, sau 3 năm thực hiện quy trình hữu cơ, khu vườn đã đạt được chứng nhận và doanh nghiệp đã đồng ý bao tiêu sản phẩm với giá cao.
Hiện nay, việc sản xuất theo mô hình hữu cơ giúp nông dân sống khỏe nên nhiều gia đình đã chuyển hướng, quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Thuần, một chủ hộ ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song) cho biết, giá hồ tiêu hiện ở mức 35.000-36.000 đồng/kg trong khi hồ tiêu hữu cơ có giá cao hơn nên cần đầu tư, sản xuất.
Ông cho hay: “Nếu mình không thay đổi, không phấn đấu làm theo hướng thuận tự nhiên thì khó có thể mà phát triển được. Tôi tìm hiểu và biết quy trình khá khó khăn nhưng năm nay quyết định thực hiện”.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song cho biết, toàn địa phương có khoảng 14.337ha hồ tiêu, trong đó có 100ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Những năm qua, mô hình này mang lại hiệu quả, năng suất cao, giá cao nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thực hiện.
“Huyện xác định hồ tiêu là thế mạnh nên cố gắng duy trì. Hiện huyện đang xây dựng chuyên đề phát triển hồ tiêu bền vững, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất hữu cơ hoặc các mô hình như VietGAP, GlobalGAP… Năng suất hồ tiêu hiện đạt khoảng 2,9-3 tấn/ha”, ông Vinh cho hay.
Đắk Nông là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn thứ 2 của cả nước, sau Đắk Lắk. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng trên 34 nghìn ha.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, giá hồ tiêu liên tục sụt giảm khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ở huyện Đắk Song và các địa bàn khác của tỉnh, nhiều gia đình đã quyết định bỏ tiêu, chuyển đổi sang các cây trồng khác để phát triển kinh tế.