"Thủ phủ" vải thiều mất mùa, giá “leo thang”
Sản lượng giảm
Thời điểm này, người dân xã Tân Mộc (Lục Ngạn), xã Phúc Hòa (Tân Yên)... bắt đầu thu hoạch vải sớm. Tính đến ngày 19/5, giá vải bán tại vườn dao động trên dưới 40.000 đồng/kg (cao gấp đôi so với năm ngoái), riêng vải VietGAP có giá bán trên 40.000 đồng/kg.
Người dân bán vải chín sớm cho lái buôn ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
Năm nay, xã Phúc Hòa có 550ha vải sớm cho thu quả, trong đó có 300ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Do bà con làm chủ kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vải cho quả to, mã đẹp, không bị sâu cuống, chất lượng thơm ngon. Ước tính, sản lượng vải sớm tại xã Phúc Hòa đạt hơn 6.000 tấn; riêng vải VietGAP đạt hơn 3.000 tấn.
Ông Phạm Trung Minh (người dân ở xã Tân Mộc) cho hay: So với năm 2018, sản lượng vải tại các vườn năm nay ở xã này giảm còn 50% nhưng giá bán cao hơn gấp 2 - 3 lần nên bà con rất phấn khởi.
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với diện tích khoảng 28.500ha, tổng sản lượng vải thiều năm 2019 của tỉnh đạt khoảng 150.000 tấn (giảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2018).
Theo kế hoạch, vải thiều sớm dự kiến thu hoạch từ 25/5, vải thiều chính vụ sẽ được thu hoạch từ ngày 5/6. Trong đó, vải thiều sớm có sản lượng khoảng 40.000 tấn (chiếm 21%), vải thiều chính vụ sản lượng đạt khoảng 110.000 tấn (79%).
Hiện, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng quả vải thiều thông qua duy trì 13.855ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 218ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trái với mùa vải thiều bội thu năm 2018, năm nay 2019 sản lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn giảm sút nhiều. Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20 - 30/7. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn) do thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều.
Ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho hay: Nguồn cung sụt giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều được đẩy lên cao hơn, hiện giá bán vải chín sớm bán tại vườn chờ thu hoạch là 55.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg).
Tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn năm nay đạt gần 16.000ha. Trong đó có khoảng 1.850ha, chiếm 12,1% vải chín sớm; gần 13.500ha vải thiều chính vụ, chiếm 87,9%.
Ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mùa vải thiều năm nay tiêu chuẩn cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính của vải thiều) có yêu cầu cao hơn, quy chuẩn từ bao bì đến tem nhãn sản phẩm rõ ràng để truy xuất nguồn gốc.
“Vải thiều chế biến và xuất khẩu sang các nước (trừ thị trường Trung Quốc) chiếm 20% tổng sản lượng (tương đương 16.000 tấn) còn lại 80% vải thiều tươi phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường Trung Quốc. Với việc thị trường Trung Quốc nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong nhập khẩu vải thiều thì đây là cơ hội để người dân thay đổi dần phương thức hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để bán cho các thị trường khó tính” - ông Thành nói.
Chủ động khâu tiêu thụ
Ông Thái cũng thông tin thêm, để hỗ trợ bà con tiêu thụ vải thiều, năm 2019, UBND tỉnh dự kiến tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại lớn như: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản tại Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc); diễn đàn kinh tế sản xuất và tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thành phố Côn Minh và thành phố Nam Ninh (Trung Quốc)…
"Vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì các thị trường đã có. Về thị trường xuất khẩu, giảm tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia. Về thị trường nội địa, tập trung nhiều hơn vào các trung tâm thương mại, siêu thị…" - ông Thái khẳng định.
Ông Hoàn cho biết thêm, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho vụ thu hoạch vải thiều sớm và chính vụ đã hoàn tất, mọi thứ đều đã sẵn sàng nên bà con trên địa bàn rất yên tâm và phấn khởi chờ đón các doanh nghiệp, thương nhân đến mua hàng.
Ông Vũ Văn Tiến - Phó Giám đốc Điện lực Lục Ngạn cho biết: “Trên địa bàn hiện có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây công suất lớn. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh bật đồng thời các thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, bảo đảm cấp điện ổn định cho người dân, doanh nghiệp trong vụ vải thiều".
Trước thực trạng thường xuyên xảy ra ùn ứ, ách tắc cục bộ trên Quốc lộ 31 trong những năm trước, Thượng tá Nguyễn Văn Duân - Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đội, cán bộ phụ trách. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường 10 chiến sĩ giúp huyện điều tiết giao thông.