Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt, tháo gỡ vướng mắc đầu tư

02/02/2021 16:32 GMT+7
Ngày 2/2, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư.

Đây là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Thủ tướng, việc thành lập tổ công tác đặc biệt sẽ nhằm tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được.

Nhắc lại tình hình kinh tế tháng đầu năm, Thủ tướng khẳng định tháng 1 là tháng có kết quả khả quan, đáng mừng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2021, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 22%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trên 27%.

Xuất nhập khẩu tăng hơn 45% so với cùng kỳ với thặng dư thương mại hơn 100 triệu USD. Thu ngân sách đạt kết quả tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt, tháo gỡ vướng mắc đầu tư - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1/2021. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện.

Theo đó, Thủ tướng lưu ý một số nội dung nổi bật, đó là nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, “có giải pháp kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.


Ngọc Vy
Cùng chuyên mục