Thủ tướng: Giá thịt lợn cao, ai hưởng lợi?
Sáng 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá.
Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá quý II cũng như các tháng còn lại của năm 2020, đồng thời, bàn về các biện pháp đối với giá thịt lợn, giá lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá - nhắc lại mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4%. Đây là chỉ tiêu quan trọng bởi nếu CPI tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Nhắc đến diễn biến mới liên quan việc giá xăng dầu đang xuống mức thấp nhất, giá dầu thô thế giới sáng nay cũng xuống mức âm, Thủ tướng nhận định nguy cơ tăng giá trong năm nay đối với nước ta vẫn ở mức cao. Do đó, Ban chỉ đạo cần chủ động, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Ông đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, nhất là nhu yếu phẩm, đặc biệt là vấn đề giá thịt lợn.
Cho biết hôm nay Bộ Công Thương sẽ báo cáo việc thanh tra giá thịt lợn, Thủ tướng nêu thực tế hiện giá bán lợn thịt đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá thành.
“Vậy liệu có chuyện làm giá hay không? Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ.
Về lương thực, Thủ tướng nói rõ hơn việc tại sao có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát. Bởi, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do đó, nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do thì dẫn tới tình trạng tư thương mua vét, xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt.
Nhắc lại câu chuyện người dân đổ xô đi mua tích trữ gạo sau khi công bố ca nhiễm thứ 17, Thủ tướng cho rằng khi đó, nếu không cơ số dự trữ thì không thể ổn định tình hình. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực.
“Đẩy mạnh xuất khẩu, đúng. Tự do lưu thông, càng đúng hơn. Nhưng dự trữ Nhà nước, dự trữ trong dân, gối đầu vụ rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
Một vấn đề nữa Thủ tướng yêu cầu thảo luận là tác động của các gói hỗ trợ (với tổng số khoảng 600.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP) mà Chính phủ đưa ra đối với mặt bằng giá cả. Cùng với đó là tác động của việc tăng lương vào ngày 1/7, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như tác động của tình hình dịch bệnh đến giá các mặt hàng này.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo, phân tích thêm về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá, dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra.
Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới; giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6).
Như vậy, cần tiếp tục quyết liệt trong điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó, điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg; có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước, không để tăng đột biến.