Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 39 dự án mới với tổng số vốn 6.266 tỷ đồng
Ngày 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc kỳ họp thường kỳ lần thứ 9. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thừa Thiên Huế đạt 8,15%, xếp vị thứ 22 toàn quốc và vị thứ 5/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 2.840 USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 12.880 tỷ đồng, vượt 9,2% dự toán và tăng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt trên 8.800 tỷ đồng, vượt 12% dự toán và tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 15.785 tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán. Trong đó, chi đầu tư ước đạt trên 5.261 tỷ đồng, bằng 89% dự toán và chi thường xuyên ước đạt 9.840 tỷ đồng, vượt 13,8% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%.
Khu vực dịch vụ của tỉnh tăng trưởng 7,9%. Nhiều loại hình du lịch được đưa vào khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản. Tổng lượt khách du lịch đến Huế ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 8.500 tỷ đồng.
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 10,4% do sản lượng một số sản phẩm chủ lực (bia, sợi các loại, quần áo) tăng và một số dự án tạo năng lực sản xuất mới đi vào hoạt động.
Nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 3,4%. Sản lượng lương thực có hạt đạt 350 nghìn tấn, năng suất lúa đạt trên 64 tạ/ha. Trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, VietGap, hữu cơ, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, trang trại công nghệ cao tiếp tục phát triển.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, tăng 16,9%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2...
Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế đã cấp phép đầu tư 39 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 6.266 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án FDI với vốn đăng ký 31,5 triệu USD. Đã có khoảng 800 doanh nghiệp ở tỉnh được thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 5.000 tỷ đồng.
Công tác rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc các dự án đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm. Thực hiện nghị quyết 70/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh, trong số 58 dự án chậm tiến độ thuộc diện giám sát, đến nay 2 dự án đã đưa vào hoạt động, 4 dự án đã thu hồi/chấm dứt hoạt động, 10 dự án tiếp tục rà soát để chấm dứt hoạt động, 42 dự án tiếp tục rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ước giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 của Thừa Thiên Huế đạt 6.679,564 /6.957,879 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch. Ước giải ngân tổng kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao năm 2024 đạt 74% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế- xã hội của Thừa Thiên Huế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Việc thu hút khách quốc tế đến Huế chưa đạt hiệu quả cao, thời gian lưu trú của du khách còn thấp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp khó khăn, tiến độ triển khai một số dự án không đạt theo kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gặp một số khó khăn. Nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt theo kế hoạch. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu một số chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc việc lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tiến độ triển khai các nghị quyết của HDNĐ tỉnh và quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh của một số địa phương, cơ quan, đơn vị có nội dung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Trong năm 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 8,5 - 9%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.200 - 3.500 USD, thu ngân sách tăng 11 - 12%.