Thương chiến đang khiến Trung Quốc lao đao?
IMF khuyến nghị Trung Quốc tiến đến thỏa thuận thương mại
IMF cảnh báo nguy cơ từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc
Báo cáo được IMF công bố hôm 9.8 đã đưa ra những khuyến nghị về một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hệ thống kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
“Trung Quốc và các đối tác thương mại nên giải quyết các tranh chấp trên cơ sở hợp tác và xây dựng nền tảng thương mại đa phương, theo quy tắc và những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để cải cách WTO theo hướng có lợi, công bằng” - ông Jin Zhongxia, giám đốc điều hành IMF tại Trung Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí.
Khuyến nghị của IMF được đưa ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung leo thang với hàng loạt những hành động mang tính trả đũa từ cả hai phía. Mới đây nhất, ông Trump tuyên bố không vội vàng thỏa thuận với Bắc Kinh, đồng thời không “làm ăn” với Huawei cho đến khi đạt được đồng thuận về thỏa thuận thương mại. Đây được cho là sự đáp trả cứng rắn của Trump sau khi Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ để trả đũa vụ 300 tỷ USD bị đe dọa áp thuế.
Bản báo cáo của IMF còn cho thấy những tác động tiêu cực của thuế quan với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, theo đó chỉ ra những lợi ích không nhỏ nếu Trung Quốc mở cửa nền kinh tế theo hướng cạnh tranh công bằng. Hồi tháng 6, báo cáo tình hình kinh tế chỉ ra tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong vòng 27 năm qua và giảm mạnh so với con số 6,6% của năm 2018.
Những chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc là không đủ bù đắp thiệt hại mà khoản thuế 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa gây ra. Một khi thuế quan 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực từ 1.9, nước này sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nữa, IMF khẳng định.
Quỹ tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP bình quân năm 2019 của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể được cải thiện nếu Bắc Kinh và Washington sớm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại thông qua một thỏa thuận chung trên cơ sở công bằng, tôn trọng lẫn nhau.
Ít bằng chứng chứng minh Trung Quốc thao túng tiền tệ
Vấn đề thao túng tiền tệ của Bắc Kinh vẫn là tâm điểm tranh cãi
Những diễn biến liên quan đến tỷ giá đồng NDT trong tuần qua khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Nhiều nhà phân tích chỉ ra Trung Quốc cố tình làm suy yếu đồng NDT để trả đũa vụ ông Trump tuyên bố áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa nước này. Bắc Kinh sau đó phủ nhận, họ khẳng định không muốn dấn thân vào chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã ngay lập tức dán nhãn thao túng tiền tệ lên quốc gia Đông Á này.
Trong báo cáo hôm 9.8, IMF chỉ ra ít có bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực sự thao túng tiền tệ. Ước tính của IMF chỉ ra sự can thiệp ngoại hối của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC là rất nhỏ.
Nhắc lại lời khuyến nghị, IMF cảnh báo thương chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Trung Quốc cả trong ngắn hạn và dài hạn, khi thương mại bị gián đoạn và chuỗi cung ứng công nghệ bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ.