Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài, Việt Nam chưa chắc đã "ngư ông đắc lợi"

19/07/2019 11:05 GMT+7
Rõ ràng, một số nền kinh tế đã được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ Trung trong quá trình tái cân bằng cung ứng toàn cầu ngắn hạn. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng có kẻ chiến thắng toàn diện trong xung đột này.

Mỹ - Trung có thực sự trở lại bàn đàm phán?

Thế giới đang nghi ngờ liệu Trung Quốc và Mỹ có thực sự quay trở lại bàn đàm phán, sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình liên tiếp có những phát ngôn bất đồng ám chỉ một “chặng đường dài” trên bàn đàm phán.

Trong tuần này, ông Trump tố Trung Quốc không thực hiện mua hàng nông sản Mỹ như ông Tập đã hứa hẹn trong cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi cuối tháng 6. Còn Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn với Huawei, dù Trung Quốc đã đưa vấn đề này vào một trong những yêu sách cần giải quyết để quay trở lại đàm phán.

Xung đột thương mại trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào năm sau có lẽ sẽ khiến thỏa thuận giữa hai nước trở nên càng xa vời. Trump cùng đội ngũ cố vấn đang tranh luận liệu một thỏa thuận lúc này có lợi cho hoạt động tranh cử hay không, khi mà lập trường của Mỹ dường như ngày càng thù địch với Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cũng tỏ ra thận trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ sắp diễn ra, và chính quyền ông Tập có lẽ sẽ chờ xem đối diện với mình trên bàn đàm phán tương lai là Trump hay một ai khác.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng chia sẻ với Fox Business hôm 16.7 rằng đàm phán thương mại với Trung Quốc là một quá trình lâu dài. Rất nhiều quan chức hai nước đều coi năm 2020 với cuộc bầu cử Tổng thống là dấu mốc quan trọng cho đàm phán. 

Ngay cả khi đàm phán được tích cực thúc đẩy lúc này, Bắc Kinh và Washington cũng phải đạt được thống nhất trong quyết định liệu có tiếp tục đàm phán trên nền thỏa thuận dự thảo sụp đổ hồi cuối tháng Năm, hay sẽ bắt đầu lại trên cương vị hiện tại.

Những bất đồng trong nhận thức giữa hai nước sau cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng trở thành vấn đề lớn. Ví như việc ông Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nông sản Mỹ ngay sau quyết định nối lại đàm phán, thực tế là Trung Quốc cho rằng nước này chỉ đồng ý nhượng bộ về nông nghiệp, theo một nguồn tin từ quan chức ngoại giao Bắc Kinh. Hay việc phía Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế với Huawei trước khu mua nông sản, còn Washington lại muốn để vấn đề Huawei giải quyết sau cùng, khi đã đạt được quan điểm nhất trí. Dù ông Trump đồng ý cấp giấy phép đặc biệt cho một số công ty Mỹ tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng công nghệ không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cho Huawei, đế chế công nghệ Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Mâu thuẫn nằm ở đâu?

Hôm 16.7, ông Trump nhận định Mỹ có một "chặng đường dài" để đi trong đàm phán với Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, kể từ hồi tháng 5, sau khi căng thẳng thương mại leo thang, nước này vẫn duy trì quan điểm bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: xóa bỏ thuế quan trừng phạt, đưa Huawei khỏi danh sách đen và tôn trọng lập trường luật pháp cơ bản của Trung Quốc.

Về phía Mỹ, ông Trump đòi hỏi Bắc Kinh phải cải cách luật pháp cũng như cơ cấu kinh tế, siết chặt vấn đề sở hữu trí tuệ, giải quyết vấn đề thâm hụt thặng dư thương mại…Washington đồng thời giữ Huawei trong danh sách đen với hàng loạt cáo buộc gián điệp, vi phạm chính sách ngoại giao quốc gia, rủi ro cho an ninh quốc gia… Ông Trump thậm chí sử dụng thuế quan như công cụ hữu hiệu cho các xung đột thương mại, điều mà Trung Quốc tỏ ra không hài lòng.

Đại diện Văn phòng thương mại Hoa Kỳ ông Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài Chính Mnuchin dự định sẽ tiếp tục các cuộc điện đàm với Trung Quốc hôm 18.7 để sắp xếp đàm phán trực tiếp tại Bắc Kinh. Nhưng chưa có thông tin nào khẳng định Bắc Kinh sẽ đồng ý nối lại đàm phán trực tiếp, nhất là trong bối cảnh hai bên đang có những hiểu lầm chưa thể giải quyết.

Hồi tuần trước, số liệu tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 27 năm của Trung Quốc đã khiến các quan chức Mỹ bị tác động. Ông Trump thì khẳng định Trung Quốc đã ngấm đòn và đang mong chờ thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết. Nhưng đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ngay sau đó phủ nhận điều này. Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra dù tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, hàng loạt các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu dùng vẫn rất lạc quan.

Cuộc chiến không người thắng cuộc

Rõ ràng, dù Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán, triển vọng mờ nhạt của thỏa thuận thương mại vẫn khiến nền kinh tế toàn cầu nằm trong nguy cơ lớn. Chưa tính đến đe dọa thuế quan từ Mỹ, hàng loạt động thái bảo hộ kinh tế của hai bên cũng đang làm gia tăng quan ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc không phải kẻ chiến thắng

Nhiều nghiên cứu đã được các nhà kinh tế học thực hiện để định lượng tác động của thương chiến đối với Trung Quốc và Mỹ.

Phân tích của South China Morning Post trong 5 tháng đầu năm 2019, số hợp đồng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 7% so với thời điểm trước đó, trong đó mặt hàng đã bị Mỹ áp thuế giảm tới 30%.

Về phía Mỹ, các nhà xuất khẩu và nông dân là hai nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thương chiến. Trong khi thuế quan đáp trả của Trung Quốc khiến xuất khẩu của Mỹ sang nước này giảm tới 38%, nông dân Mỹ cũng khốn đốn vì xuất khẩu nông sản gặp khó. Trung Quốc tạm dừng nhập đậu tương từ Mỹ, nhiều nhóm nông sản khác cũng lao đao. 

Người tiêu dùng Mỹ cũng trở thành nạn nhân trong thương chiến. Một phân tích đã chỉ ra rằng việc Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ phải chi trả thêm 831 USD cho hàng hóa mỗi năm do giá tăng. Ngân hàng Liên bang New York thì ước tính mức thuế trên khiến tổng thu nhập các hộ gia đình Mỹ mất khoảng 1,4 tỷ USD hàng tháng.

Nhưng Mỹ và Trung Quốc rõ ràng không phải những nạn nhân duy nhất. Hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu xung đột, kéo theo sự dịch chuyển hỗn độn của dòng chảy thương mại toàn cầu. Có vẻ như xét cho cùng, không ai được lợi.

Không có kẻ hưởng lợi cuối cùng

Một nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Dương

Hạn ngạch thuế quan đã khiến Mỹ và Trung Quốc hạn chế nhập khẩu từ đối phương, trong bối cảnh đó một số quốc gia đã “hưởng lợi”. Các nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí cả Đài Loan là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn do kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng lên. Trong đó, Việt Nam nổi lên như quốc gia chiến thắng nhiều nhất trong thương chiến Mỹ Trung.

Các nhà kinh tế chỉ ra GDP Việt Nam đã tăng lên gần 2% do kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng lên. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay sau đó, không ngạc nhiên khi Trump quyết định áp thuế một số mặt hàng từ Việt Nam, như thép cán nguội và tôn mạ có nguồn gốc nguyên liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan, sản xuất công đoạn cuối và xuất khẩu từ nước ta.

Rõ ràng, một số nền kinh tế đã được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ Trung trong quá trình tái cân bằng cung ứng toàn cầu ngắn hạn. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng có kẻ chiến thắng toàn diện trong xung đột này. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là rủi ro càn quét toàn bộ nền kinh tế, một khi thương chiến tiếp tục kéo dài.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục