Tích trữ xăng dầu lúc giảm giá vì Covid-19 có thể bị xử lý hình sự?
Ngay sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm mạnh vào chiều 29/3 (từ 4.100 - 4.252 đồng/lít xăng tùy loại và từ 1.048 - 2.705 đồng/lít/kg dầu tùy loại), nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã tỏ ý hài lòng và cho rằng, đây là mức điều chỉnh phù hợp so với biến động giảm của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm giá xăng giảm sâu, một bộ phận người dân đã mua tích trữ xăng, dầu số lượng lớn về dùng dần, phòng khi giá mặt hàng này lại tăng cao trở lại. Điều này dẫn đến hậu quả một số cây xăng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam treo biển hết hàng trong ngày 30/3.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng tuyệt đối không nên thực hiện ý tưởng này vì quá nguy hiểm khi cất giữ nhiên liệu dễ cháy nổ, gây mất an toàn cho bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, hành vi này còn có thể được coi là đầu cơ hàng hóa nếu có hoạt động mua bán kiếm lời.
Trao đổi với Etime về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tâm lý người dân lo sợ, tích trữ xăng dầu để dùng dần. Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu là điều có thể dự đoán được.
"Việc tích trữ xăng dầu số lượng lớn trong nhà vì bất kỳ mục đích gì là hoàn toàn không cần thiết, cần phải loại bỏ. Ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân cực kỳ kém, vì vậy việc tích trữ xăng dầu số lượng lớn trong nhà do giá rẻ không những không có lợi mà còn vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và tính mạng người dân", luật sư Hùng cho hay.
Theo luật sư Hùng, pháp luật không cấm người dân mua xăng dầu để dự trữ, tuy nhiên xăng dầu là loại hàng hóa dễ gây ra cháy nổ nếu không được bảo quản đúng cách nó sẽ là hiểm hòa không lường cho vấn đề an toàn vệ sinh cháy nổ và phòng cháy chữa cháy.
Vị luật sư này cho biết, trong trường hợp để xảy ra cháy nổ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 47, 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, tùy theo tính chất mức độ của thiệt hại, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 50.000.000 đồng, chưa tính đến việc bồi thường thiệt hại về người và tài sản đối với hành vi để xảy ra cháy nổ.
Hơn nữa, thông thường khi tích trữ xăng dầu, người dân thường không ý thức được việc để xảy ra cháy nổ, sử dụng nhiều dụng cụ thô sơ như các loại bình nhựa, chai, lọ, thậm chí có người còn vô ý đến mức sử dụng túi bóng để đựng xăng dầu.
Pháp luật quy định đối với trường hợp san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định còn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 31 Nghị định này, mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Đối với trường hợp người tiêu dùng, các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc giá xăng dầu giảm mạnh, có hành vi găng xăng dầu, tích trữ xăng dầu giá rẻ để khi tình hình ổn định trở lại, đợi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên rồi đem bán thu lợi nhuận cao sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi găm xăng dầu hoặc đầu cơ xăng dầu theo quy định tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tùy thuộc vào giá trị xăng dầu thu lợi bất chính dao động từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm xăng dầu hoặc 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đầu cơ hàng hóa.
Đặc biêt, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Ngoài ra, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề có điều kiện. Đối với trường hợp người dân tích trữ xăng dầu để kinh doanh thu lợi mà không thực hiện các quy định, không đảm bảo điều kiện về kinh doanh xăng dầu; vi phạm quy định về bán xăng dầu qua hình thức cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Điều 14, Điều 30 Nghị định 67/2017/NĐ-CP.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cũng cho rằng, đối với những nguy hiểm tiềm tàng đối với loại mặt hàng này, pháp luật cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để người dân ý thức được sự nguy hiểm và thể hiện được tính răn đe của pháp luật. Cần phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân bán lẻ xăng dầu trên đường phố, có thể cấm hành vi bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, Trao đổi với Etime, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn cung các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước vẫn đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.