Tín hiệu suy thoái ngày càng rõ rệt, FED chuẩn bị đưa lãi suất về 0?
Thị trường trái phiếu phản ánh tín hiệu suy thoái “rõ mồn một”
Hôm thứ Sáu tuần qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã giảm xuống mức 2,13%, chỉ cách 0,03% so với mức lợi suất thấp nhất mọi thời đại hồi tháng 7.2016 sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu cho tiến trình Brexit, thoát ly Liên minh Châu Âu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng lên mức kỷ lục 3,46% hồi tháng 11.2018, nhưng sau đó liên tục giảm kể từ khi Ngân hàng Trung Ương đảo ngược kế hoạch tăng lãi suất và gần đây nhất là tiến hành cắt giảm 0,25% lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm 12.8 ở mức 1,64%, tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại. Như vậy, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 2 năm giờ đây chỉ còn 0,06% - thấp nhất kể từ năm 2010 và các nhà phân tích tin rằng đường cong lãi suất đảo ngược này là một tín hiệu đáng tin cậy thể hiện suy thoái kinh tế.
Rõ ràng, lãi suất thực là chỉ số thể hiện chính xác nhất chi phí huy động vốn bình quân, đồng thời phản ánh những triển vọng ảm đạm bi quan của nền kinh tế. Lãi suất ngày một giảm đã thể hiện những kỳ vọng tăng trưởng kinh tế giảm dần trong thập kỷ tới, mà thương chiến Mỹ Trung là nguyên nhân chủ yếu.
Jonathan Hill, chiến lược gia lãi suất tại BMO Capital Market là một trong số nhiều nhà phân tích quan ngại rằng sự suy giảm lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đang phản ánh rõ nét những tín hiệu tăng trưởng giảm tốc khi căng thẳng thương mại ngày một leo thang. Thị trường nghi ngờ Ngân hàng Trung Ương không thể đạt đến mục tiêu lạm phát 2%, mặc cho mức thuế quan 10% mà ông Trump chuẩn bị áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngay sau những diễn biến của lợi suất trái phiếu, chứng khoán Mỹ lập tức đỏ lửa. Dow Jones bay 300 điểm sau phiên giao dịch hôm thứ Hai do nỗi lo suy thoái. Nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho chính sách sai lầm và những hành động muộn màng của FED trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp.
FED chuẩn bị cắt giảm lãi suất sâu
Dựa trên những chỉ số kinh tế suy yếu và mỗi lo căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang, phố Wall giờ đây đang dự đoán những đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang FED, điều mà có thể làm cho lợi nhuận ngân hàng quay trở lại mức 0.
Hôm 11.8, đại gia ngân hàng Mỹ Goldman Sachs vừa tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ 0,2% và Merrill Lynch Global Research thì cảnh báo khả năng suy thoái trong 12 tháng tới đây.
Tâm lý bất ổn từ thị trường cùng những diễn biến tiếp theo của chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ tạo sức ép lớn buộc FED nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn để duy trì tăng trưởng, như những gì Chủ tịch FED Jerome Powell từng khẳng định trước đây. Hồi cuối tháng 7, ông Trump từng kịch liệt chỉ trích FED dù cơ quan này đã cắt giảm lãi suất 0,25% lần đầu tiên kể từ đại suy thoái năm 2008. Vị Tổng thống Mỹ cho rằng nỗ lực của FED là chưa đủ, và nhiều nhà phân tích còn chỉ ra việc ông Trump áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có lẽ cũng là một cách buộc FED cắt giảm lãi suất sâu hơn.
Các nhà kinh tế đã dự đoán khả năng cắt giảm 0,75% lãi suất từ nay đến cuối năm 2019 cùng với nhiều động thái vào năm 2020 để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7 đã lên đến 74%, theo công cụ đo lường FedWatch.
Chuyên gia kinh tế của Set UBS, ông Seth Carpenter nhận định: “Mặc dù chúng ta chưa thấy động thái rõ rệt nào từ Ủy ban thị trường mở FOMC sau cuộc họp FED hồi tháng 7, thì những diễn biến thương mại gần đây đã là động lực để họ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 9”.
Ông Carpenter đồng thời dự đoán một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo vào tháng 12 và lần cắt giảm cuối cùng vào khoảng tháng 3.2020 với tổng mức cắt giảm lên đến 1%, qua đó đưa lãi suất cơ bản xuống mức 1%-1,25%.
Dự đoán của Carpenter vẫn còn cách xa mức lãi suất tương lai mà các thành viên FOMC đưa ra hồi tháng 6, trước khi FED tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 11 năm. Khi đó các thành viên FOMC từng dự đoán mức lãi suất liên bang (tỉ lệ lãi suất các ngân hàng cho nhau vay để có được số tiền bằng đúng yêu cầu dự trữ bắt buộc trong dài hạn) khoảng 2,5%, hoặc cao hơn mức lãi suất mục tiêu 2%-2,25% . Tuy nhiên, dự đoán này được đưa ra trước cả khi FED cắt giảm lãi suất 0,25%, và ông Trump lúc đó vẫn chưa tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Với tình hình hiện tại, các thành viên FOMC sẽ cần một mức lãi suất liên bang điều chỉnh hợp lý.
“Mối đe dọa thuế quan của ông Trump với số hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc vào 1.9 tới đây sẽ thay đổi những triển vọng. Chiến tranh thuế quan sẽ làm tăng trưởng giảm tốc. FED sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa do quan ngại bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế gia tăng”.
Nhận định về đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới đây, ông Carpenter dự đoán nhiều khả năng thị trường sẽ trông đợi hành động của FED như một “bảo hiểm” cho diễn biến thương mại bất ổn trên khắp thế giới. “Vào tháng 9, FED sẽ bị dồn vào tình thế buộc phải cắt giảm lãi suất nếu không muốn làm thị trường suy sụp. Tuy nhiên, đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12 lại không giống thế. Nếu FED tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 12, nó chỉ cho thấy sự suy yếu thực sự của nền kinh tế.”
Lãi suất có thể chạm mốc 0?
Morgan Stanley thậm chí dự đoán 2 đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp của FED vào tháng 9 và tháng 10 và 4 lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo năm 2020 - điều sẽ đưa lãi suất liên bang tiệm cận mức 0 hoặc mức thấp tương tự như thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chiến lược gia Mark Cabana từ BofA mới đây cũng cảnh báo lãi suất có thể chạm mốc 0 nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.
Căng thẳng thương mại leo thang có thể đưa lãi suất về mức 0
“Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan, ông Powell có thể sẽ thấy các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo là cần thiết” - ông El Zentner, nhà kinh tế của Morgan Stanley cho hay. Ông viện dẫn sự suy giảm giờ làm trong báo cáo việc làm tháng 7 như lời cảnh báo cho sự sa thải trong tương lai gần.
Theo dự đoán của Zentner, các lần cắt giảm lãi suất sẽ dao động quanh mức 0,25% nhưng không loại trừ khả năng cắt giảm sâu hơn nếu các nhà hoạch định chính sách tìm thấy những dữ liệu thể hiện khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt. Sự leo thang thương chiến Mỹ Trung cùng những hành động mang tính chất “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh và Washington trong thời gian qua đã làm ảm đạm triển vọng thương mại toàn cầu. Nhìn từ dữ liệu kinh tế trong quý II, số công ty báo cáo doanh thu và lợi nhuận giảm do thuế quan đã tăng 41% so với quý trước.
Bank of America Merrill Lynch Global Research cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế trong vòng 12 tháng tiếp theo đã lên tới khoảng 1/3 khả năng. Điều này phù hợp với chỉ số đo lường suy thoái của chi nhánh FED tại New York, sử dụng chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng để đánh giá khả năng suy thoái. Theo kết luận của FED New York, rủi ro suy thoái đang ở mức 31,5%.
Còn theo dự báo của Morgan Stanley, lãi suất liên bang gần bằng 0 sẽ xuất hiện trong bối cảnh FED đưa lãi suất danh nghĩa xuống dưới mức 0 nếu tình hình kinh tế diễn biến tồi tệ. Tuy nhiên, viễn cảnh lãi suất âm khó mà xảy ra. Lần gần đây nhất FED từng cân nhắc khả năng này là 3 năm trước, khi các ngân hàng phải chuẩn bị cho kịch bản lợi suất âm để vượt qua bài kiểm tra stress-test của cơ quan này.
“Những hành động cứng rắn, mạnh mẽ từ FED có thể sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường. Nhưng FED không làm thế. Thay vào đó, người ta thấy FED dần dần nới lỏng chính sách tiền tệ, điều thể hiện sự quan ngại ngày một sâu sắc của Ủy ban thị trường mở vào triển vọng kinh tế ảm đạm trong tương lai.” - ông Zentner nhận định.