Tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn lúng túng, vướng mắc

16/07/2019 17:11 GMT+7
Ngày 15/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Phó Thủ tướng cũng đưa ra những chỉ đạo để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại.

Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

“Không có quy hoạch thì không thu hút được nguồn lực”

Chính phủ đã có ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một cách hiệu quả, trong đó có các giải pháp như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; thực thi các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch; Chủ động rà soát các quy hoạch đã có, xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2019, đây là công cụ pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng nhờ Luật Quy hoạch mà đề ra định hướng, mực tiêu chiến lược, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương, quốc gia để đảm bảo phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Luật Quy hoạch thông qua và có hiệu lực sẽ có khoảng 13 tháng để thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dó chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp quy hoạch và chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nên kết quả còn hạn chế, việc triển khai tổ chức thời kỳ 2021-2030 chưa đúng tiến độ.

Cũng đồng cảm với những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là những quy hoạch mới, lần đầu xây dựng, tích hợp yêu cầu cao nên rất khó triển khai.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực đã đạt được của các cấp và khẳng định tầm quan trọng của Luật Quy hoạch, “Không có quy hoạch thì không thu hút được nguồn lực, không tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Quy hoạch phải không cứng nhắc, mà là mở ra không gian sáng tạo

Để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, Phó Thủ tướng cũng đưa ra những chỉ đạo để các cấp thực hiện và triển khai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. 

Về các vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp Luật, trước hết là thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Đây là một vướng mắc rất lớn, Luật chưa bao quát được hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

"Không ai có thể nói quy hoạch của chúng ta hôm nay là tốt nhất. Nhận thức là một quá trình, nếu điều chỉnh cho tốt hơn cần được khuyến khích, khác với việc điều chỉnh quy hoạch để mang lại lợi ích cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng," Phó Thủ tướng chia sẻ.

Về trình tự lập quy hoạch, theo điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Phải có quy hoạch tổng thể quốc gia mới lập các quy hoạch cấp dưới, như vậy có thể phải hàng chục năm mới xong các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh.

Vướng mắc các địa phương trong việc phê hoạch các quy hoạch tỉnh đã được triển khai lập theo quy định cũ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhưng chưa được thẩm định, Bên cạnh đó, các địa phương cũng gặp khó khăn khi tích hợp nội dung vào quy hoạch.

Phó Thủ tướng chỉ ra,“Chẳng hạn như lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, nội dung nào được đưa vào, nội dung nào không. Rõ ràng không thể tích hợp mọi quy hoạch. Quy hoạch phải không cứng nhắc, thay vào đó phải mở ra không gian sáng tạo cho các bộ, ngành, địa phương.”

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch phải không cứng nhắc, thay vào đó phải mở ra không gian sáng tạo cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu đặt ra với quy hoạch tích hợp là vừa phải cập nhật đủ, vừa phải có một không gian thông thoáng cho sự sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tương lai.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch; trong năm 2020 phải cơ bản xong để phê duyệt.

Đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao chủ trì thành lập tổ chức công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cấp, phối hợp Bộ Tài chính để sớm hướng dẫn phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng quốc gia; sớm thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.

Điều chỉnh quy hoạch cục bộ từ nay đến năm 2020, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, sau đó cập nhật vào quy hoạch mới.

Quy hoạch đã lập, tổ chức thậm định nhưng chưa phê duyệt thì sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt theo Luật hiện hành, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.

Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch; đồng thời, tiến hành lập các Quy hoạch ngành quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các địa phương trong tháng 7/2019. Cung cấp  các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh.

Đặc biệt, phát huy kinh nghiệm của Quảng Ninh và một số địa phương để thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, xác định các nội dung sẽ được tích hợp vào quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục