Tổng thầu Trung Quốc sẽ sớm sang Việt Nam để xử lý dự án Cát Linh - Hà Đông
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có cuộc tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và khẳng định tuy còn có lúc thăng trầm, nhưng quan hệ giữa 2 Đảng, 2 nhà nước và nhân dân 2 nước đã phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Với hơn 2.800 dự án đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 7 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương ước đạt 116,8 tỉ USD, tăng 9,5%, trong đó có tới 1/3 lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc.
Đó là những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và tiềm năng của 2 nước.
Trên cơ sở thành quả quan hệ hai nước trong 70 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị 2 bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tiếp tục duy trì giao lưu và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao; đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại và đầu tư.
Phó Thủ tướng mong muốn Đại sứ Hùng Ba với vai trò của mình sẽ thúc đẩy để ngày càng có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cân bằng cán cân thương mại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hợp tác thương mại Việt - Trung cần phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng, bền vững; cùng hợp tác xử lý dứt điểm tồn tại của một số dự án để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhà đầu tư Trung Quốc. Đồng thời có những dự án mới, tiêu biểu cho trình độ phát triển và công nghệ của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc không ngừng củng cố và có những bước phát triển mới đi vào chiều sâu.
Nhất trí với mục tiêu phát triển thương mại 2 nước lành mạnh, cân bằng, bền vững mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết phía Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy, mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác như giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nội dung buổi tiếp còn đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội hiện vẫn còn chậm tiến độ, chưa thể đưa vào hoạt động.
Về vấn đề này, Đại sứ Hùng Ba cho biết lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rất quan tâm, đã yêu cầu tổng thầu Trung Quốc sớm sang Việt Nam để bàn bạc một cách cụ thể, toàn diện với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý những vướng mắc, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng Việt Nam làm việc với tổng thầu Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại nhằm đưa công trình vào vận hành, phục vụ nhân dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ GTVT hồi tháng 10-2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "chỉ đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đảm bảo an toàn tuyệt đối", Thủ tướng cũng nhấn mạnh những sai phạm tại dự án phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân bởi chỉ còn những hạng mục nhỏ, những thủ tục cuối cùng nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện xong đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nếu không sớm đưa dự án vào sử dụng, người dân sẽ không đồng tình.