TPHCM: Ngổn ngang cải tạo, xây mới chung cư cũ
Còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hầu hết 474 chung cư cũ nói trên đều xây dựng trước năm 1975. Tình trạng sở hữu căn hộ phức tạp, vừa có sở hữu riêng của tư nhân, sở hữu nhà nước cho thuê, lấn chiếm, chuyển nhượng sang tay không hợp pháp. Hệ thống kỹ thuật quá cũ kỹ hư hỏng nặng, môi trường vệ sinh ẩm thấp không bảo đảm theo quy định. Nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại. Các chung cư cũ này tập trung nhiều nhất ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh với khoảng 30.000 hộ dân sinh sống. Các chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chung cư có thể sập bất cứ lúc nào.
Theo kế hoạch, UBND TP.HCM giao các quận, huyện phối hợp xử lý các chung cư trên. Đối với các công trình thuộc diện cải tạo, xây dựng mới phải hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện những quy định về điều kiện an toàn PCCC. Mặc dù TP đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, có nhiều điểm mở hơn so với trước đây, nhưng tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ vẫn còn rất chậm. Thực tế nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế di dời dân xong thì chủ đầu tư lại để đó, hoặc xây dựng với tiến độ... "rùa bò".
Trong số đó chậm xây mới nhất là chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1). Từ năm 2007, UBND quận 1 tiến hành giải tỏa di dời cư dân chung cư Cô Giang, sau đó chủ đầu tư tổ chức động thổ rầm rộ rồi bỏ đó, đã hơn 10 năm trôi qua, mặt bằng này vẫn là bãi đất trống.
Ở chung cư 155-157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) có 87 căn thuộc sở hữu tư nhân, 13 căn thuộc sở hữu nhà nước). Trước đây, quận 1 xác định phải chọn được nhà đầu tư xây mới chung cư trong quý 3/2018, nhưng đến nay vẫn chưa chọn được. Tương tự, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án phá dỡ chung cư cũng chưa thống nhất. Hiện quận vẫn đang chờ ý kiến của UBND TP về quỹ nhà tạm cư, thời gian di dời các hộ dân, cũng như phương án hoàn vốn cho Nhà nước khi đầu tư xây dựng lại chung cư thay thế.
Một vướng mắc lớn khác là liên quan đến thỏa thuận bồi thường, tái định cư giữa chủ dự án và người dân.
Một vướng mắc lớn khác là liên quan đến thỏa thuận bồi thường, tái định cư giữa chủ dự án và người dân. Không ít người dân yêu cầu bồi thường cao hơn mức chủ đầu tư chấp nhận. “Nếu quận bố trí tạm cư xa quá hoặc giá suất tái định cư quá cao thì chúng tôi cũng chẳng đi. Dân lao động và buôn gánh bán bưng, lấy đâu ra tiền đóng khoản chênh lệch lớn”, bà Phạm Thị Thanh Tâm (chung cư Bùi Viện) cho biết.
Tháng 1/2019, người dân ở chung cư Trúc Giang (P.13, Q.4) bỏ phiếu chọn chủ đầu tư xây mới chung cư này. Theo đó, người dân được bố trí tái định cư tại chỗ; 1m2 nhà cũ sẽ được tái định cư bằng 1,1m2 nhà mới xây; tái định cư từ tầng 5 đến tầng 10 ở chung cư mới. Trường hợp không có nhu cầu ở chung cư sẽ bán lại cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng/m2... Theo UBND quận 4, ban đầu có nhiều nhà đầu tư làm phương án tham gia xây mới chung cư Trúc Giang. Tuy nhiên, có chủ đầu tư muốn tăng thêm tầng lên cao (thành 32 tầng) quá chỉ tiêu quy hoạch, hoặc có chủ đầu tư chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch nhưng lại đề xuất quận phải hỗ trợ thêm khoảng 40 tỉ đồng nên quận không đồng ý. Hiện dự án vẫn chưa biết bao giờ tiếp tục xúc tiến.
Ngoài ra, chung cư Vĩnh Hội A, B, C (quận 4) từ lâu cũng bị xuống cấp trầm trọng. Từ 8/2008, chung cư này đã được UBND TP cấp chứng nhận đầu tư cho một công ty bất động sản, nhưng chủ đầu tư chỉ làm một vài thủ tục ban đầu rồi “trùm mềm”. Sau nhiều lần kiến nghị đến cuối năm 2018, UBND TP mới chính thức thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án, giao cho UBND Q.4 ra thông báo kêu gọi nhà đầu tư cho ba lô chung cư Vĩnh Hội A, B, C. Như vậy, việc xây mới ba lô chung cư này sau 10 năm đã trở lại từ đầu.
Ra đi không biết bao giờ về
Đó là tâm trạng của gần 80 hộ dân ở chung cư 155 – 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) trong bối cảnh chung cư cũ nát bị buộc phải di dời vào ngày 14.6 tới đây. Tuy nhiên, các cư dân vẫn còn nhiều câu hỏi về việc tái định cư và quan trọng là bao giờ họ được quay về?
Chung cư 155 - 157 Bùi Viện tọa lạc trên diện tích đất gần 600m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất phố đi bộ Bùi Viện, trung tâm của “khu phố Tây” nổi tiếng của Sài Gòn. Dù tuổi đời chỉ mới hơn 40 năm, nhưng với không gian chung chật hẹp, nhếch nhác, nhiều hạng mục được xác định là xuống cấp nên bị chính quyền địa phương yêu cầu di dời khẩn cấp. Trước đó, qua khảo sát, Sở Xây dựng nhận định, hiện trạng bên ngoài chung cư chắc chắn nhưng bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng nên đề xuất UNBD TP khẩn trương di dời chung cư này.
Theo phương án tổ chức di dời và bố trí tạm cư đối với các hộ dân tại chung cư 155 - 157 Bùi Viện đã được UBND quận 1 đưa ra, dự kiến các hộ dân tại chung cư số 155 - 157 Bùi Viện sẽ di dời về tạm cư tại chung cư Phú Mỹ (quận 7) và chung cư xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Nếu người dân không đồng ý tạm cư tại đây, sẽ được nhận tiền thuê nhà để tự lo nơi ở mới với mức: 4 nhân khẩu trở xuống được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, từ 5 nhân khẩu trở lên sẽ hỗ trợ thêm 1,25 triệu/nhân khẩu/tháng nhưng không quá 15 triệu đồng mỗi hộ. UBND quận 1 cam kết sẽ mời chủ đầu tư tham gia cải tạo không vì mục đích thương mại, rồi bố trí lại để 100% cư dân trở về sinh sống trong căn hộ mới…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cư dân ở đây cho rằng phương án di dời mà UBND quận 1 thời gian qua đưa ra vẫn chưa hợp lý, và quan trọng là vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia cải tạo chung cư này. Nhiều người dân ở đây khi được hỏi thì điều họ băn khoăn nhất và cũng là nguyên nhân chính khiến cho họ đến nay vẫn chưa chịu di dời, đó là ngày họ trở về chưa được xác định một cách cụ thể.
"Chính quyền lo lắng cho tính mạng người dân thì hãy sớm tìm chủ đầu tư, đừng để như chung cư Cô Giang, người dân di dời 11 năm vẫn chưa xây dựng", chị Nga, một cư dân sinh sống ở đây nhiều năm phản ứng.
Mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM phải giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế.
Nhiều cư dân đề nghị chính quyền địa phương phải đảm bảo thời gian tạm cư của các hộ dân sau khi di dời không quá 36 tháng để họ sớm ổn định cuộc sống mà không phải sống quá lâu trong điều kiện tạm cư làm ảnh hưởng đến kế hoạch, tương lai của nhiều thế hệ trong gia đình.
Còn tại chung cư Trúc Giang, một số cư dân cho biết họ mong chung cư sớm được xây mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều vấn đề băn khoăn vẫn chưa được tháo gỡ. Chẳng hạn như giá bán diện tích tăng thêm ngoài quy định; hoặc các hộ có nhà cũ chỉ 25m2 nhưng muốn mua căn hộ mới diện tích 57m2 thì giá bán sẽ được tính ra sao để họ có thể tái định cư nơi sống cũ của mình?...