Tp.HCM tái khởi động siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa
Chiều 5/6, trả lời PV Dân Việt về siêu dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco cho biết vẫn đang theo đuổi dự án này và chờ động thái từ UBND TP.HCM.
“Nếu được chỉ định và trở thành nhà đầu tư, Bitexco đủ năng lực để triển khai dự án, còn nếu đấu thầu thì Bitexco cũng sẽ tham gia đấu thầu theo quy định của nhà nước. Không có chuyện Bitexco tháo chạy khỏi dự án như một số thông truyền thông có đưa”, vị đại diện này khẳng định.
Trước đó, UBND TP.HCM cho biết đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Trong đó, đa phần các nhà đầu tư đều có tiềm lực lớn. Thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án Bình Quới - Thanh Đa cho phù hợp thực tế.
Gần ba thập kỷ trôi qua, siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn chỉ là một vùng thôn quê giữa Sài Thành.
UBND TP cũng cho biết, quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, thực tế cũng có nhiều biến động như thành phố có chủ trương tạm thời cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại dự án này. Ngoài ra, thành phố cũng đang xem xét điều chỉnh lại ranh quy hoạch dự án nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Thành phố sẽ tạo điều kiện để người dân tự phát triển, miễn sao phù hợp với quy hoạch.
Cùng với việc điều chỉnh lại dự án, UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán, xây dựng tiêu chí để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Động thái trên nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để bảo đảm tính khả thi, triển khai nhanh dự án.
Bên lề hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10 (10/2018), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có trao đổi với báo chí về việc tổ chức triển khai dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, nằm trên bán đảo Thanh Đa, P.28, Q.Bình Thạnh.
Theo ông Phong, dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa kéo dài quá lâu. Trước đây, UBND TP.HCM chỉ định liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (gọi tắt là EPP, công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) là nhà đầu tư dự án khu đô thị, nhưng sau đó EPP xin rút vì không đồng ý một số điều khoản.
Sau khi EPP rút lui, Tập đoàn Bitexco vẫn xin thực hiện dự án. Do đó về quy định, UBND TP.HCM phải nghe lại quy trình thẩm định dự án cũng như năng lực của Bitexco nếu không sẽ phải tổ chức đấu thầu dự án.
“Tôi đã nghe các sở ngành và Bitexco báo cáo lại về dự án. Bitexco cũng muốn thực hiện dự án này. Nếu đầy đủ cơ sở pháp lý như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì UBND TP.HCM sẽ chỉ định, còn không sẽ phải tổ chức đấu thầu”, ông Phong nói.
Ông Phong nhấn mạnh việc chỉ định thầu phải đầy đủ cơ sở pháp lý. Trong trường hợp phải đấu thầu, dự án phải mất thời gian 800 ngày còn nếu rút ngắn quy trình nhất cũng mất hơn 2 năm để thẩm định lại từ đầu quy trình dự án.
“Dự án này đã kéo dài hàng chục năm nay gây hệ luỵ nhiều cho người dân, dân ở đấy khổ lắm rồi...”, ông Phong nói.
Siêu đô thị bị treo gần ba thập kỷ, người dân phải sống trong những ngôi nhà sập xệ.
Theo thông tin mới nhất, Thường trực UBND TP.HCM đã thống nhất giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẩn trương tham mưu đề xuất phương án tổ chức triển khai dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Mặc dù bán đảo Thanh Đa bị "treo" suốt 27 năm qua, nhưng đây vẫn được xem là “đất vàng” của TP.HCM để phát triển đô thị sinh thái hiện đại.
Dự án này có quy mô diện tích hơn 426 ha, đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 29.992 tỉ đồng, bao gồm giá trị dự kiến vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính của toàn bộ dự án, giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tối thiểu khi thực hiện thu hồi đất...
Để triển khai nhanh dự án quy mô này, tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân khu vực dự án, UBND TP.HCM yêu cầu việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi.
UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm cho người dân sinh sống trên bán đảo Thanh Đa. Hiện khu vực dự kiến triển khai dự án này có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu.