TP.Quảng Ngãi “hạt nhân” trung tâm phát triển đô thị gắn công nghiệp - kinh tế biển
Cùng các nội dung quan trọng khác, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, cũng đã nêu rõ phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương này.
Theo đó về không gian phát triển tỉnh Quảng Ngãi, sẽ được thực hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 6 không gian kinh tế động lực, 2 trung tâm động lực tăng trưởng và 3 Trung tâm đô thị.
Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Và cấu trúc này, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa vùng duyên hải và vùng trung du miền núi, hải đảo về mặt kinh tế.
Trước mắt là vùng có điều kiện, sẽ phát huy vai trò đầu tàu hỗ trợ thúc đẩy các khu vực chậm hơn, để rồi khi quy mô đủ lớn, sẽ hình thành hệ sinh thái kinh tế vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu.
Cụ thể 6 không gian kinh tế động lực, gồm vùng kinh tế động lực Cụm đô thị - Trung tâm dịch vụ, có TP.Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.
Theo đó TP.Quảng Ngãi sẽ đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh.
Vùng động lực công nghiệp, gồm huyện Bình Sơn (KKT Dung Quất) - một phần huyện Trà Bồng - huyện Sơn Tịnh, đây là khu vực trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Vùng kinh tế sinh thái biển, gồm TX.Đức Phổ - huyện Mộ Đức, sẽ phát triển trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi, với trung tâm là TX.Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá.
Vùng kinh tế rừng xanh, gồm các huyện Trà Bồng - Sơn Tây - Sơn Hà - Minh Long - Ba Tơ, hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, vùng trồng dược liệu, trồng rừng cây gỗ lớn, phát triển rừng trồng sản xuất, phát triển kinh tế rừng…
Vùng kinh tế nông nghiệp, gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc các huyện Nghĩa Hành - Mộ Đức - một phần huyện Sơn Tịnh - Sơn Hà - Minh Long - Ba Tơ. Vùng kinh tế biển đảo mà trọng tâm là Lý Sơn, với định hướng vai trò là tiền phương của ngành du lịch biển đảo.
Đối với 4 hành lang kinh tế, cụ thể gồm Hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất – TP.Quảng Ngãi - Sa Huỳnh, TX.Đức Phổ), sẽ là hành lang kinh tế chủ đạo với chức năng liên kết các trung tâm kinh tế đô thị - dịch vụ hành chính; gắn kết các huyện đồng bằng ven biển...
Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam): là hành lang liên kết quốc tế, đối ngoại kết nối Khu kinh tế Dung Quất với các huyện phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.
Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh, TX.Đức Phổ - Ba Tơ - Bờ Y, tỉnh Kon Tum), là hành lang cửa ngõ kinh tế biển, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông lâm nghiệp và khai thác thủy sản.
Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì, huyện Ba Tơ - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng), là hành lang kinh tế xanh kết nối với hai hành lang Đông Tây của tỉnh để hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng kết nối.
Đối với 2 trung tâm động lực tăng trưởng, trong tương lai sẽ hình thành Trung tâm Lọc, hoá dầu và Năng lượng quốc gia, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng động lực miền Trung, tại KKT Dung Quất; phát triển Lý Sơn thành Trung tâm du lịch Biển - Đảo.
Có 3 trung tâm đô thị gắn với công nghiệp - kinh tế biển, tạo động lực phát triển, trong đó đô thị trung tâm mà TP.Quảng Ngãi là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn (tương lai) là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Nam, với TX.Đức Phổ là hạt nhân.