"Trên đe dưới búa", FED sẽ hành động thế nào?
Trump chỉ trích FED là "vấn đề của nước Mỹ"
Ông Trump lập luận rằng FED và Jerome Powell đã hành động chậm chạp và kéo theo sự suy yếu của cả nền kinh tế Mỹ. Ông còn đổ lỗi cho FED về sự bất thường trên thị trường trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đảo ngược - một dấu hiệu cảnh báo suy thoái đến gần - khiến phố Wall đỏ đèn và Dow Jones bay hơn 800 điểm. Đây là ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm đến nay.
Thực chất, lần gần đây nhất đường cong lợi suất đảo ngược là tháng 12.2005. Chỉ ít lâu sau đó, khủng hoảng tài chính đã xảy ra, kéo theo cuộc đại suy thoái khiến kinh tế toàn cầu lao đao năm 2008.
“Chúng ta đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Các công ty đang chạy trốn khỏi thị trường Trung Quốc. Giá cả hàng hóa Mỹ không tăng, thậm chí còn giảm xuống. Vấn đề của Mỹ không phải Trung Quốc mà là FED và chính sách lãi suất của FED” - ông Trump phẫn nộ.
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần yêu cầu FED cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây để hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh xung đột thương mại với Bắc Kinh. Nhưng thay vì cắt giảm lãi suất, FED đã 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018, điều mà ông Trump cho là một sai lầm chính sách dẫn đến sự hỗn loạn thị trường. Ông Trump chỉ trích FED đã tăng lãi suất quá nhiều và quá nhanh, với tổng cộng 7 lần tăng trong năm 2017 và 2018. Thế nhưng việc cắt giảm lãi suất để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế lại khá chậm rãi. Cuối tháng trước, FED cắt giảm lãi suất 0,25% lần cắt giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, ông Trump không thỏa mãn với sự cắt giảm nhỏ giọt này.
Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1.9, một động thái được xem là gây thêm áp lực buộc FED cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, hôm 13.8 vừa qua, ông Trump đã trì hoãn thời hạn áp thuế sang 15.12 với một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng như quần áo, giày dép, smartphone... để tránh sự tác động của mức thuế đến người tiêu dùng Mỹ trong kỳ nghỉ đông và mùa Giáng sinh. Chính phủ Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc mới là kẻ chịu tổn thất lớn lao sau mức thuế của Mỹ.
Những tưởng đây sẽ là dấu hiệu lạc quan thể hiện sự giảm nhiệt trong căng thẳng thương mại, nhưng đường cong lợi suất đảo ngược mới đây đã xóa sạch những lạc quan mong manh ấy. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc thấp nhất trong 17 năm qua và tăng trưởng GDP của Đức rơi vào mức âm cũng phản ánh những triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Hơn bao giờ hết, áp lực suy thoái đang đè nặng, và FED có thể sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để bảo vệ nền kinh tế Mỹ.
FED sẽ hành động ra sao?
Những cú hích trên thị trường hiện tại có lẽ sẽ đưa FED đến một quyết định cắt giảm lãi suất sâu, sau khi tín hiệu kinh tế ngày càng tiêu cực.
Bill Merz, nhà kinh tế trưởng từ U.S. Bank Wealth Management cho biết: “Cắt giảm 0.25% lãi suất vẫn là khả năng cơ bản nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm có thể tăng mạnh khi mà thị trường đang chứng kiến những biến động cực đoan, tâm lý bất ổn và đường cong lợi suất đảo ngược.”
Dù đường cong lợi suất chỉ đảo ngược ít phút và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhanh chóng phục hồi trở lại, nhưng điều đó đã đủ để gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp phố Wall. Nhất là khi trong 50 năm qua, mỗi lần đường cong lợi suất đảo ngược là một lần kinh tế chuẩn bị bước vào suy thoái.
Thị trường hiện định giá 19% cơ hội cắt giảm lãi suất 0,5% tại cuộc họp của Ủy ban thị trường mở FOMC tháng 9 tới, theo công cụ đo lường FedWatch. Nhà đầu tư thậm chí dự đoán một đợt cắt giảm tiếp theo ngay trong tháng 10 và đợt cắt giảm cuối cùng vào tháng 12.2019 hoặc đầu năm 2020.
Đường cong lợi suất đảo ngược không được xem là một bằng chứng đanh thép khẳng định suy thoái kinh tế sắp đến, nhưng nó có sức mạnh dự đoán đặc biệt nếu nhìn từ lịch sử. Và mỗi khi đường cong lợi suất đảo ngược, đó là tín hiệu cảnh báo đáng để cân nhắc.
“Nếu các dữ liệu trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần tới và căng thẳng thương mại không có dấu hiệu hạ nhiệt, có lẽ FED sẽ thực sự cắt giảm 0,5% lãi suất trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế. Ngay bây giờ, thị trường đang dần đặt niềm tin vào điều đó” - Jason Draho, giám đốc phân bổ tài sản tại UBS Global Wealth Management nhận định.
Và chắc chắn một điều, cuộc họp sắp tới của FOMC sẽ lại chứng kiến một FED chia rẽ với một bên là những người ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và một bên là những người muốn hành động để ngăn chặn rủi ro suy thoái. Dù cho đường cong lợi suất đảo ngược không phải bằng chứng, số liệu cụ thể để thuyết phục FED về một sự suy thoái chắc chắn xảy ra trong tương lai, nhưng nó đã phản ánh lãi suất ngắn hạn quá cao cũng như sự bất ổn của thương mại.
Tất cả những yếu tố thị trường đều đang thúc đẩy FED hướng tới một quyết định cắt giảm lãi suất trong tháng 9.