Trồng rừng gỗ lớn đầu ra rộng mở, lợi nhuận gấp 1,5 lần rừng gỗ nhỏ
Con số tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7/2019 ước đạt 837 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 với 79,7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) dự báo, 6 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu lâm sản sẽ có nhiều thuận lợi khi các doanh nghiệp đã có sẵn các đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 sẽ đạt con số 11 tỷ USD.
Cũng theo ông Trị, đến nay, bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ và lâm sản đang quay lại thị trường nội địa, tạo khởi sắc, mang lại động lực cho sản xuất phát triển.
Rừng gỗ lớn giá trị hơn 1,5 lần rừng gỗ nhỏ
Để nâng cao giá trị ngành lâm sản, cũng như thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (có hiệu lực từ 1/6/2019), Tổng cục Lâm nghiệp đã và đang khuyến khích các địa phương phát triển diện tích rừng có chứng chỉ bền vững.
6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã trồng được 108.456ha rừng, bằng 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con, diện tích rừng có chứng chỉ đạt 237.386ha.
Quyết định số 2692/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NNPTNT hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn cũng được coi là một trong những bước đệm hình thành vùng nguyên liệu chế biến gỗ tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến các chương trình, dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là một trong những cơ sở để xây dựng dự toán trồng rừng.
Trồng rừng, đầu tư vào rừng nguyên liệu đang là cơ hội làm giàu của nhiều nông dân hiện nay, khi “đầu ra” rất rộng mở, nhu cầu cao. Tuy nhiên, hầu như hiện nay, các vùng trồng rừng nguyên liệu chỉ tập trung vào trồng hai loài keo lai và keo tai tượng, tuổi cây ngắn (5-7 năm là thu hoạch).
Theo thống kê, diện tích rừng gỗ lớn của nước ta hiện chỉ đạt 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ. Nếu bán gỗ nhỏ, gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt 700.000 – 800.000 đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là keo, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ phục vụ khai mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.
Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 240m3/ha, đường kính cây trên 18cm, lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.
Theo tính toán, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 215 - 250 triệu đồng/ha, đỉnh điểm có thể đạt 300 - 350 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đang có nhu cầu cao về nguyên liệu gỗ loại lớn để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu tập trung phát triển diện tích rừng gỗ lớn thay vì gỗ nhỏ như hiện nay thì không những thu nhập của người trồng rừng được cải thiện mà nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ cũng được đảm bảo.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong tháng 7/2019, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt hơn 890 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong cả 7 tháng năm 2019 lên hơn 6 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,66 tỷ USD; xuất siêu lâm sản đạt 4,574 tỷ USD.