Trừng phạt Huawei khiến Trung Quốc lao đao hơn cả đòn thuế quan
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng sau hàng loạt động thái cứng rắn của Bắc Kinh và Washington trong việc biến nó thành cuộc chiến tranh công nghệ viễn thông. Hồi tuần trước, chính quyền ông Trump đã đưa Huawei và hơn 70 chi nhánh của nó vào một danh sách đen hạn chế thương mại với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran cùng nghi vấn gián điệp.
Trong tuần này, Mỹ được cho là đang xem xét lệnh hạn chế thương mại tương tự với 5 tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc, trong đó có Hikvision - nhà cung cấp thiết bị giám sát lớn nhất thế giới.
Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 5, Washington đã tăng mức thuế từ 10% lên 25% với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, cùng đe dọa sẽ áp thuế với hầu hết hàng hóa từ quốc gia này vào cuối năm nay.
Tổng thống Trump không ngừng gây áp lực cho các nước đồng minh về cáo buộc Huawei liên quan đến hoạt động gián điệp của Bắc Kinh
Ông Aidan Yao, giám đốc đầu tư của AXA nhận định: “Các lệnh hạn chế thương mại với các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn nhiều so với lệnh trừng phạt thuế quan. Chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung sẽ kéo dài và căng thẳng hơn nhiều so với các xung đột thương mại”.
“Việc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các thị trường ngoài Mỹ sẽ khiến các công ty công nghệ Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh theo thời gian.” - một chuyên gia kinh tế của S&P Global Ratings nhận định. “Danh sách đen của Washington rõ ràng là động thái ngăn cản bước tiến của Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ số 1 toàn cầu”.
Tổng thống Trump khẳng định trên MXH rằng “Trung Quốc sẽ bị tổn thương nặng nề” nếu không đạt đến một thỏa thuận thương mại thống nhất với Mỹ.
Là những kẻ tiên phong trong phát triển công nghệ 5G, Huawei và ZTE đều trở thành mối quan tâm của chính phủ Mỹ trước khi bị Bộ Thương mại nước này liệt vào danh sách đen.
ZTE gần như đã sụp đổ vào năm 2018 sau lệnh hạn chế thương mại, cấm nhập khẩu hàng hóa linh kiện từ Mỹ. Công ty này sau đó phải chịu khoản tiền phạt 1.2 tỷ USD cùng cam kết thay đổi toàn bộ bộ máy quản lý, lãnh đạo cấp cao do cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.
Nhà kinh tế học Carl Tannenbaum cho hay: “Lệnh hạn chế thương mại với Huawei - công ty cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất hành tinh - còn nghiêm trọng hơn nhiều.”
Ông này nói thêm: “5G là cơ sở để Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Lệnh hạn chế thương mại của Mỹ với Huawei, do đó, đã giáng đòn mạnh mẽ vào tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc”.
Không chỉ sở hữu công nghệ 5G đi trước thời đại, Huawei còn có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ZTE. Trước hạn chế thương mại từ Mỹ, Huawei khẳng định đế chế viễn thông này đã phát triển thành công hệ điều hành riêng và có năng lực sản xuất con chíp mà không cần đến nguồn cung từ Mỹ. Trong trường hợp lệnh hạn chế thương mại bị siết chặt, Huawei vẫn sẽ hoạt động mà không chịu nhiều sự ảnh hưởng.
Dù vậy, theo dữ liệu của Jefferies Group, Huawei hiện đang nhập khẩu linh kiện từ 22 nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với sự phụ thuộc khá lớn của gã khổng lồ viễn thông vào chuỗi cung ứng tại đây.
Dù Huawei được cho là đã dự trữ số lượng con chíp và linh kiện điện tử đủ dùng ít nhất 3 tháng sau lệnh hạn chế thương mại (theo tờ Bloomberg), thì lệnh hạn chế về lâu dài sẽ làm tê liệt toàn bộ chuỗi cung ứng này và gây ra những hiệu ứng kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ đang đẩy mạnh vận động các đồng minh tỏ rõ thái độ với Huawei sau cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lợi ích an ninh quốc gia. Úc và New Zealand đã “cấm cửa” Huawei trên thị trường, còn Anh tuyên bố phát triển công nghệ 5G độc lập mà không có sự nhúng tay của Huawei.
Dù rằng Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ lệnh hạn chế thương mại nhằm vào Huawei, nhưng suy cho cùng, Trung Quốc là quốc gia gánh hậu quả nặng nề hơn cả.