"Trung Quốc có quá nhiều nhà sản xuất xe điện", chính phủ kêu gọi hợp nhất

13/09/2021 12:22 GMT+7
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing mới đây cho hay chính phủ Bắc Kinh đang khuyến khích các thương vụ hợp nhất các nhà sản xuất xe điện do nước này có quá nhiều doanh nghiệp trong ngành xe điện.

Việc chính phủ Trung Quốc ưu tiên ngành công nghiệp phương tiện xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã thúc đẩy các nhà sản xuất xe điện như Nio, XPeng và BYD mở rộng công suất sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp này.

Theo Bộ trưởng Xiao Yaqing, Bộ này đang đẩy nhanh các giải pháp thay thế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip ô tô. Đồng thời, chính phủ cũng đang xem xét các đề xuất cải thiện mạng lưới sạc và phát triển doanh số bán xe điện ở thị trường nông thôn.

"Trung Quốc có quá nhiều nhà sản xuất xe điện", chính phủ kêu gọi hợp nhất - Ảnh 1.

Ô tô nằm chờ xuất khẩu tại một cảng biển ở Yên Đài, Trung Quốc vào ngày 7/9/2021 (Ảnh: Getty Images)

Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc tuần trước đã phạt ba công ty chip ô tô vì tăng giá chip trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung hiện tại. Tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm Ford Motor, Honda Motor và Volkswagen, buộc nhiều nhà sản xuất phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái, khi các nhà sản xuất ô tô quyết định cắt giảm lượng đơn đặt hàng chip vào thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và doanh số bán xe sụt giảm mạnh. Do đó, khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, ngành sản xuất ô tô đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu không chỉ gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô. Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đã dự đoán người dân có thể cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng điện tử khi thu nhập giảm sút, kinh tế eo hẹp. Nhưng dự đoán này nhanh chóng trở nên sai lầm khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu buộc người dân chôn chân tại nhà, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, từ smartphone, laptop cho đến máy chơi game. Nhưng các nhà sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Bởi khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người dân vẫn không muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Khi nhu cầu ô tô tăng lên, các hãng này đã thuyết phục những đối tác sản xuất chip tăng sản lượng nhanh chóng. Không may, nguồn cung chip tăng không đủ nhanh để phục vụ nhu cầu của các hãng ô tô.

Theo một dự báo hồi quý II/2021 của công ty tư vấn AlixPartners, cuộc khủng hoảng chip hiện tại có thể sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu thiệt hại 110 tỷ USD trong năm nay. Dự báo này tăng mạnh 81,5% so với con số ban đầu 60,6 tỷ USD mà AlixPartners đưa ra hồi cuối tháng 1. “Cuộc khủng hoảng chip do đại dịch gây ra đã trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện thường không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy sản xuất chip quan trọng, thời tiết khắc nghiệt ở Texas và hạn hán ở Đài Loan” - ông Mark cho biết trong một thông cáo báo chí. “Nhưng tất cả những điều này đã hội tụ với cuộc khủng hoảng chip trầm trọng, đe dọa khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong dài hạn”.

Gần đây nhất, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra ở các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục gây sức ép lên thị trường chip toàn cầu cũng như ngành công nghiệp ô tô, trong đó có các nhà sản xuất ô tô điện. Theo ước tính của một công ty nghiên cứu của Mỹ trong tháng này, sản lượng ô tô toàn cầu sản xuất trong năm 2021 sẽ giảm xuống 80 triệu chiếc, tương đương giảm khoảng 6% so với dự đoán ban đầu, qua đó thổi bay khoảng 130 tỷ USD doanh thu. Ảnh hưởng sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu các hãng tiếp tục cắt giảm quy mô lớn như trường hợp của Toyota Motor. 

Cụ thể, Toyota Motor đã điều chỉnh hạ dự báo sản lượng toàn cầu cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020 khoảng 3% xuống còn 9 triệu chiếc. Hàng loạt hãng ô tô của Nhật Bản như Nissan Motor đã công bố kế hoạch giảm sản lượng 250.000 chiếc và Honda Motor dự kiến doanh số sẽ giảm khoảng 150.000 chiếc do việc cắt giảm sản lượng. Mazda Motor, Mitsubishi Motors và Subaru cũng đã công bố mức cắt giảm của riêng từng hãng. Theo đó, tổng mức cắt giảm của 6 hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản đã công bố lên tới 1,05 triệu xe.


NTTD
Cùng chuyên mục