Trung Quốc dọa hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Mỹ để trả đũa vụ Huawei
Mới đây, ông Hu Xijin - Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho hay Bắc kinh đang chuẩn bị cho một số đề xuất hạn chế xuất khẩu linh kiện và chuyển giao công nghệ sang Mỹ.
Loạt biện pháp này được cho là sự trả đũa của Bắc Kinh với danh sách đen và lệnh hạn chế thương mại mà Mỹ đã áp đặt lên Huawei hồi giữa tháng 5 với lý do vi phạm an ninh quốc gia và lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp lên Iran.
Trên Twitter, ông Hu Xijin cho hay Trung Quốc đang tập trung xây dựng một cơ chế quản lý để bảo vệ các công nghệ quan trọng, độc quyền của nước này. “Đây vừa là một bước tiến quan trọng để cải thiện hệ thống pháp luật Trung Quốc, vừa là một động thái đáp trả những áp lực từ phía Mỹ”. “Sau khi các biện pháp được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ sẽ kiểm soát một số công nghệ được xuất khẩu sang Mỹ”.
Tổng Biên Tập Thời báo Hoàn cầu không trích dẫn một nguồn tin cụ thể nào trong tiết lộ nêu trên. Thời báo Hoàn Cầu hiện không phải cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tuy nhiên đôi khi các quan điểm của những người lãnh đạo được thể hiện thông qua đó.
Nguồn tin từ Tổng Biên Tập Thời Báo Hoàn Cầu cho hay Trung Quốc đang xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Mỹ để "trả đũa" vụ Huawei lọt danh sách đen
Giữa lúc nguồn tin từ Hu Xijin gây chú ý trên Twitter, tờ Tân Hoa Xã cũng đưa tin Ủy Ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc điều tra, nghiên cứu để thiết lập “danh sách quản lý an ninh công nghệ quốc gia”. Đây cũng được coi là động thái đáp trả việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen và ban hành lệnh hạn chế thương mại để ngăn chặn gã khổng lồ Huawei nhập khẩu các linh kiện, công nghệ từ Mỹ.
Cùng với nghi vấn về kiểm soát xuất khẩu công nghệ, Trung Quốc gần đây còn lên tiếng đe dọa Mỹ về một “danh sách đen” trả đũa kèm theo hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Hiện chưa rõ thời gian Bắc Kinh công bố danh sách đen cũng như liệu đất hiếm có trở thành “mặt trận” tiếp theo trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Nhật Bản trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tới đây được mong chờ sẽ thúc đẩy một diễn biến tích cực.