Trung Quốc phá giá tiền tệ và đe dọa trả đũa, Dow Jones "bay" 767 điểm

06/08/2019 07:34 GMT+7
Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh hôm 5.8 sau khi thương chiến Mỹ Trung leo thang và Trung Quốc bắt đầu những động thái trả đũa tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump.

Phố Wall vừa chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 767,27 điểm, tương đương 2,9%, xuống 25.717,74 điểm tại phiên đóng cửa. Trong ngày, có thời điểm Dow Jones giảm tới 961,63 điểm. Chỉ số S & P 500 giảm gần 3% xuống 2.844,74 điểm, tức giảm khoảng 6% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng trước. Chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 3,5% xuống 7,726,04 điểm. Đây được xem là mức giảm ngày tồi tệ nhất của cả ba chỉ số chính trong năm nay.

Chỉ số NASDAQ giảm ngày thứ 6 liên tiếp - chuỗi giảm dài nhất kể từ cuối năm 2016. Chỉ số S&P 500 cũng giảm phiên thứ 6 sau khi Tổng thống Trump dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tuần trước và Cục Dự Trữ Liên Bang FED thì không cam kết một động thái cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, sau mức cắt giảm 0,25% hôm 31.7.

Cổ phiếu Apple giảm 5,2% cổ phiếu Nike giảm 2,7%, Macy’s giảm 3,1% và Best Buy giảm 3,5%. Các cổ phiếu ngành sản xuất chíp như Micron, Skyworks Solution, Advanced Micro Devices đều giảm ít nhất 4%. Đây đều là những cổ phiếu chịu tác động mạnh mẽ của thương chiến Mỹ Trung.

“Thị trường đang chứng kiến một tình huống khi mà các đàm phán thương mại trượt khỏi đường ray sau mức thuế 10% của Trump và hàng loạt biện pháp trả đũa từ Trung Quốc” - ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định. ‘Hành động vũ khí hóa thuế quan như một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại với Bắc Kinh đã thất bại thảm hại”.

Trung Quốc hôm 5.8 đã phá giá đồng NDT, đưa tỷ giá NST/USD xuyên ngưỡng 7 lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, kể từ cuộc đại suy thoái hồi tháng 5.2008. Trump ngay sau đó lên tiếng tố tội Trung Quốc thao túng tiền tệ trên Twitter. “Trung Quốc đã làm suy yếu đồng tiền của họ xuống mức lịch sử. Nó được xem là thao túng tiền tệ. Các quan chức FED có thấy không? Biến động lớn lao này sẽ làm Trung Quốc suy yếu đáng kể theo thời gian”. 

Dường như Trung Quốc đã đi đến quyết định rằng, trước triển vọng mờ nhạt của thỏa thuận thương mại, phá giá tiền tệ để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu là một bước đi đúng đắn. Thực tế là Bắc Kinh đã ngừng bảo vệ ngưỡng tâm lý 7 của tỷ giá đồng NDT, điều này cho thấy họ đang từ bỏ mọi hy vọng về thỏa thuận thương mại” - ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics nhận định.

Cùng với việc phá giá tiền tệ, Trung Quốc còn đình chỉ việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản Mỹ và đe dọa áp thuế trả đũa với các mặt hàng nông sản nhập khẩu sau ngày 3.8, các phương tiện truyền thông nhà nước dẫn lời nguồn tin từ Bắc Kinh. Như vậy, sau 1 tháng hòa hoãn kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, thương chiến Mỹ Trung tiếp tục leo thang trở lại, mở ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục