Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới
Trước đây, các nhà chức trách hiếm khi đưa ra so sánh như vậy do quan ngại sẽ làm leo thang nỗ lực hạn chế thương mại hay những đòn trả đũa từ Washington. Tuy nhiên mới đây, ông Lian Weiliang, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan thiết lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Bắc Kinh - đã đưa ra triển vọng tầm nhìn cho nền kinh tế Trung Quốc từ nay đến năm 2035.
“Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 40 nghìn tỷ NDT trong năm 2019, tức tăng hơn 42% so với năm 2015. Dự kiến, con số này sẽ sớm vượt Mỹ, qua đó đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới” - ông Lian Weiliang phát biểu trước Diễn đàn Cải cách Trung Quốc cuối tháng 11 qua.
“Chúng ta cần tận dụng tối đa lợi thế từ thị trường khổng lồ trong nước nhằm xây dựng một hệ thống thị trường chất lượng cao trong 5 năm tiếp theo (2021-2025)”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ nước này đã đạt mức 42,1 nghìn tỷ NDT (6,2 nghìn tỷ USD) vào năm 2019. Con số này ngang bằng với tổng doanh số bán lẻ tại Mỹ (xấp xỉ 6,2 nghìn tỷ USD).
Trên cơ sở đó, ông Lian Weiliang đã vẽ ra một bức tranh màu hồng cho triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã có quy mô GDP và giá trị gia tăng trong ngành sản xuất hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới với nhiều cái tên lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã kỳ vọng thị trường nội địa tỷ dân của quốc gia này sẽ tạo nên tiềm năng lớn thu hút các nhà đầu tư quốc tế, qua đó bù đắp lại những thiệt hại từ cuộc chiến tranh thương mại và những biện pháp hạn chế cấm vận từ Washington. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh cũng đang tìm cách khởi động nhiều động lực tăng trưởng mới bằng cách tập trung vào thị trường nội địa, hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong nước.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia từng đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi quy mô GDP từ nay đến năm 2035. Điều này ngụ ý Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tiếp theo, dù rằng các quan chức Bắc Kinh nhiều lần khẳng định nước này không có ý định soán ngôi Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng GDP 4,9% trong quý III/2020, tăng từ mức -6,8% hồi quý I và 3,2% trong quý II. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng vọt 4,3% trong tháng 10 khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020. Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ ghi nhận mức GDP -4,3% khi nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Một quan chức Trung Quốc từng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện nhận định thị trường tiêu dùng Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ trong năm nay, nhưng cảnh báo tiêu dùng nội địa vẫn đang chịu sức ép từ đại dịch Covid-19, mức nợ hộ gia đình cao và khoảng cách thu nhập giàu - nghèo ngày càng lớn. Theo quan chức này, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh là người lao động thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, theo đó làm giảm khả năng tiêu dùng.
Ông Han Yongwen, Phó tổng giám đốc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc thì gợi ý chính phủ nên tập trung mở rộng tầng lớp trung lưu trong 5 năm tới, đưa dân số có thu nhập trung bình từ mức 29% dân số hiện nay lên khoảng 40% dân số, tương đương 600 triệu người. “Điều đó sẽ tạo nên động lực lớn với thị trường tiêu dùng Trung Quốc cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế”.