Trung Quốc và hai nước cờ hiểm trong canh bạc với ông Trump
Trung Quốc đang chơi “đòn hiểm” với Trump?
Một ngày sau khi phá giá tiền tệ, hôm 6.8, Trung Quốc lên tiếng xác nhận đình chỉ nhập khẩu nông sản của Mỹ.
Phía Bắc Kinh rõ ràng đã nhắm đến 2 yếu tố quan trọng của Mỹ để phản đòn: đồng đô-la mạnh và ngành nông nghiệp. Việc Trung Quốc phá giá tiền tệ và xác nhận sẽ ngừng mua nông sản Mỹ, thậm chí áp thuế lên nông sản nhập khẩu từ Mỹ sau ngày 3.8 đang làm chiến tranh thương mại căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trước đó, Tổng thống Trump từng nhiều lần phản đối chính sách đồng đô-la mạnh và cảnh báo các quốc gia đang làm suy yếu tiền tệ vì lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại như EU, Trung Quốc. Ông Trump cũng tích cực thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc để hạn chế những tổn thất với người nông dân, đồng thời còn phê duyệt khoản trợ cấp liên bang trị giá 16 tỷ USD để bù đắp tổn thất đã xảy ra.
Rõ ràng, Trung Quốc đang cố gắng gửi những “đòn đau” đến nước Mỹ sau khi bị đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD, điều sẽ mở ra nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.
“Tôi nghĩ rằng đó là một tín hiệu lớn của họ” - Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn Global Forex cho biết. “Người Trung Quốc đang báo hiệu rằng họ không còn kỳ vọng gì vào thỏa thuận thương mại với Trump, và họ sẵn sàng chơi đến cùng”.
Dù Ngân hàng Trung Quốc phủ nhận họ đang phá giá tiền tệ để đáp trả thuế quan của Trump, nhưng một quan chức Bắc Kinh giấu tên thừa nhận đây là một phản ứng với mức thuế quan mới của Trump, theo nguồn tin từ CNBC. Việc suy yếu tiền tệ sẽ góp phần bù đắp tác động của thuế quan trừng phạt tới nền kinh tế.
“Tôi nghĩ rằng đây chỉ là bước đầu, là đòn cảnh báo của Trung Quốc rằng nếu Trump đưa mức thuế từ 10% lên 25%, Bắc Kinh sẵn sàng để phá giá tiền tệ sâu hơn nữa” - ông Chandler nhận định. Tỷ giá NDT/USD đã vượt ngưỡng 7 lần đầu tiên kể từ Đại suy thoái, một ngưỡng tác động mạnh mẽ đến tâm lý thị trường.
Đồng quan điểm với Chandler, ông Bruce Kasman, nhà kinh tế học từ J.P. Morgan cho rằng: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang cho Mỹ biết họ sẵn sàng biến tiền tệ thành vũ khí. Đây không phải một cuộc chiến tranh tiền tệ đúng nghĩa, nhưng nó đang đẩy các rủi ro kinh tế gia tăng.”
Về phía Mỹ, ông Trump cũng nắm trong tay nhiều lá bài khác bên cạnh thuế quan. Hồi tháng trước, các nhà kinh tế đã nhận định ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách can thiệp thị trường tiền tệ để hạ giá đồng USD, nhưng họ nghi ngờ sự hiệu quả của hành động này trong bối cảnh các Ngân hàng Trung Ương khác cũng đang cố gắng làm suy yếu tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ chính thức dán nhãn Trung Quốc “thao túng tiền tệ”
Ông Mnuchin - Bộ trưởng Tài chính Mỹ chính thức xác định Trung Quốc “thao túng tiền tệ”
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin dưới sự bảo trợ của Tổng thống Trump, đã lên tiếng xác định Trung Quốc “thao túng tiền tệ” trong một thông cáo báo chí mới đây. Sau hôm nay, ông Mnuchin sẽ phải làm việc với Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF để loại bỏ những lợi thế cạnh tranh không lành mạnh mà Trung Quốc nhận được từ việc thao túng tiền tệ.
Việc chính thức dán nhãn “thao túng tiền tệ” lần đầu tiên kể từ năm 1994 sau thời Tổng thống Bill Clinton được Bộ Tài chính áp dụng sau khi Trung Quốc để tỷ giá tiền tệ của họ xuyên ngưỡng tâm lý 7. Đây là lần đầu tiên tỷ giá NDT/USD vượt ngưỡng 7 kể từ hồi Đại suy thoái năm 2008.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể phá giá đồng NDT và duy trì dự trữ ngoại hối trong bối cảnh bị ông Trump dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa kể từ ngày 1.9. Trong bối cảnh hiện tại, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ là để giảm bớt tác động của trừng phạt thuế quan, đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế, theo nội dung thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
“Tôi nghĩ nhiều đối tượng trong khu vực kinh tế tư nhân có thể không nhận định Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ. Một nguyên tắc quan trọng để kết luận là có sự can thiệp nhất quán hoặc liên tục để phá giá đồng tiền hay không. Và như vậy, khu vực kinh tế tư nhân cũng như một số nhà kinh tế, chiến lược gia có thể sẽ không bị thuyết phục bởi kết luận của Bộ Tài chính” - ông Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn cho hay. “Tất nhiên, đây là một bước leo thang mới trong cuộc chiến tiền tệ, điều làm cho tình hình thương mại quốc tế trở nên bất ổn hơn”.
Trước khi có tuyên bố chính thức từ Bộ Tài chính, Tổng thống Donald Trump đã công bố trên Twitter cáo buộc Bắc Kinh đang thao túng tiền tệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Trung Quốc đã làm suy yếu đồng tiền của họ xuống mức lịch sử. Nó được xem là thao túng tiền tệ. Các quan chức FED có thấy không? Biến động lớn lao này sẽ làm Trung Quốc suy yếu đáng kể theo thời gian”.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer - lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện cũng đồng thời ủng hộ Trump khi chỉ định Trung Quốc một kẻ thao túng tiền tệ. “Trung Quốc đã có tiền lệ thực hiện hành vi thao túng tiền tệ trước đây, và kể cả khi Tổng thống Trump nhậm chức” - ông Chuck Schumer nói trong một tuyên bố. “Giờ đây, ông Trump nên để Bộ Tài chính dán nhãn thao túng tiền tệ cho quốc gia này, đó là tất cả những gì ông Trump cần làm trong thời điểm này”.
Việc Mỹ làm việc với Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF về trường hợp của Trung Quốc có thể sẽ không mang lại các biện pháp trừng phạt chính thức, bởi dán nhãn thao túng tiền tệ là hành động chủ yếu mang tính chất biểu tượng. Tuy nhiên, Luật Liên bang năm 1988 đã cho phép Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ làm việc với IMF để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không công bằng liên quan đến thao túng tiền tệ, nên có thể sẽ có một số biện pháp được tiến hành để duy trì ổn định hệ thống tiền tệ toàn cầu.