TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Không phải DN thiếu tiền, chỉ tạm thời "co cụm" vì sợ Covid-19

03/03/2020 16:16 GMT+7
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để đưa ra những cái gọi là gói kích thích kinh tế hay gói kích cầu kinh tế. Không phải doanh nghiệp thiếu tiền, mà người dân đang sợ rủi ro lây bệnh, nên tạm thời co cụm lại. Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại.

Tính đến chiều 3/3 (giờ Việt Nam), thế giới hiện có 90.903 ca nhiễm virus corona và 3.116 ca tử vong được xác nhận.

Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế thế giới, Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn, vì thế ảnh hưởng cũng rất lớn. 

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng sụt giảm, ngân hàng vào cuộc

Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,7% so với mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm trước…

Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống

Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, một số doanh nghiệp có thể phải tạm ngừng sản xuất.

Đáng lưu ý, ảnh hưởng của doanh nghiệp đang tác động trực tiếp đến ngành ngân hàng. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận: Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu: Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Không phải DN thiếu tiền, chỉ tạm thời "co cụm" vì sợ Covid-19 - Ảnh 2.

Covid-19 tác động tới mọi mặt của nền kinh tế

Trong tình hình này, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các giải pháp, gói kích thích để "cứu" nền kinh tế. Đơn cử tại Trung Quốc, hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã "bơm" 1.700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 243 tỷ USD) vào thị trường tài chính. PBoC cũng tiếp tục hạ 0,1% lãi suất cho vay ngắn hạn và mới đây nhất là lãi suất cho vay trung hạn giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tuy chưa có động thái chính thức về giảm lãi suất hay bơm vốn ra nền kinh tế từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…

Trong vòng 03 tuần kể từ khi họp với NHNN, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn và bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Đồng thời, có gần 30 NHTM đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Không nên nới rộng chính sách tài chính tiền tệ để kích thích kinh tế?

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các gói hỗ trợ bằng nguồn vốn vay giá rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp huy động được vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì sẽ chỉ tạo ra sự phục hồi trong ngắn hạn, khó có thể mang tới tác động lâu dài, thậm chí nếu lượng tiền này được đưa vào những lĩnh vực nhạy cảm hút vốn thì có thể gây tác động ngược.

Đồng quan điểm, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn. Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thừa nhận, bối cảnh hiện nay rất khác so với giai đoạn suy giảm kinh tế cách đây hơn 10 năm. Gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề. Nền kinh tế Việt Nam không phải đang thiếu tiền. Các dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa trong năm nay còn rất lớn. Việc giảm thuế có thể giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, song người dân không phải giảm tiêu dùng tạm thời vì thu nhập giảm, mà do lo sợ dịch bệnh, nên giảm nhu cầu đi lại và chi tiêu trong ngắn hạn.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Không phải DN thiếu tiền, chỉ tạm thời "co cụm" vì sợ Covid-19 - Ảnh 4.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn

Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực để ngành y tế chống dịch, dập dịch; các giải pháp cho nền kinh tế cần tính toán về lâu về dài, dựa trên kết quả đánh giá tác động cụ thể lên từng ngành, lĩnh vực.

Vì thế, nhiều chuyên gia còn đề nghị không nên nới rộng chính sách tài chính tiền tệ để kích thích kinh tế trong giai đoạn này, bởi như vậy có thể khiến lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá, kéo theo hàng loạt cân đối vĩ mô bị ảnh hưởng.

Chia sẻ thêm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng Bộ Tài chính cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như miễn, giảm, giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tăng mua để hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động của dịch bệnh nếu đó là mặt hàng Chính phủ có thể tăng mua dự trữ.

"Nói chung, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để đưa ra những cái gọi là gói kích thích kinh tế hay gói kích cầu kinh tế. Không phải doanh nghiệp thiếu tiền, mà người dân đang sợ rủi ro lây bệnh, nên tạm thời co cụm lại. Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục