Tương lai thương chiến Mỹ Trung nhìn từ lịch sử "Cuộc chiến 1812"
Tại Mỹ, nhiều người đã so sánh xung đột thương mại hiện nay với chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô hay chiến tranh thương mại với Nhật Bản những thập kỷ 80. Nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không hoàn toàn giống như thế.
Chuyên gia chính sách thương mại Hoa Kỳ, tác giả cuốn Clash Over Commerce, ông Douglas Irwin nhận định: so sánh chiến tranh thương mại Mỹ Trung hiện nay với cuộc chiến năm 1812 giữa Mỹ và Anh là tương đồng hơn cả.
Ông Douglas Irwin - chuyên gia chính sách thương mại Hoa Kỳ
“Cuộc chiến năm 1812” bắt nguồn từ một xung đột thương mại do lệnh cấm vận của Anh với Pháp. Và phía Hoa Kỳ cho rằng, những hạn chế này rõ ràng là bất hợp pháp theo luật lệ quốc tế. Thực chất, phía Anh lúc đó không bằng lòng trước sự lớn mạnh và cạnh tranh ngày một tăng của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chỉ tính riêng đội tàu buôn trung lập lớn nhất thế giới của Hoa Kỳ khi đó đã khiến dư luận và báo chí Anh tốn nhiều giấy mực thể hiện sự không hài lòng. “Một phần lớn bộ phận dư luận có ảnh hưởng của người Anh, cả trong chính phủ và nhân dân, nghĩ rằng Hoa Kỳ đã trở thành một mối đe dọa đối với uy thế tuyệt đối về hàng hải của nước Anh.”
Thời kỳ đó, Anh ra sức cản trở sự giao thương buôn bán giữa Mỹ với Pháp. Tất nhiên, phía Mỹ cho rằng Anh đang vi phạm sâu sắc quyền buôn bán ở vị thế quốc gia trung lập của Mỹ. Đáp lại những động thái từ London, Washington bắt đầu áp thuế cao với hàng hóa của Anh, đẩy lùi làn sóng nhập khẩu hàng giá rẻ, viện dẫn lý do bảo vệ ngành công nghiệp chiến lược của nước này.
Cuối cùng, chiến tranh bùng nổ, như một hệ quả tất yếu. Mãi cho đến khi Anh và Liên Minh thứ 6 đánh bại Napoleon năm 1814 khiến Pháp trở thành một đồng minh của nước này, cục diện bế tắc mới khiến chiến tranh chấm dứt với bản hiệp ước Ghent mở ra mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Anh và Mỹ.
Từ tấm gương cuộc chiến 1812, Douglas Irwin nhận định: “Một giải pháp trong ngắn hạn khó có thể diễn ra. Nếu Trump yêu cầu sự thỏa hiệp về kinh tế hay bất kỳ phương diện nào khác tại một quốc gia có chủ nghĩa dân tộc sâu sắc như Trung Quốc, điều này là bất khả thi." Ông cũng lo ngại liệu chiến tranh thương mại có nguy cơ phát triển thành một cuộc chiến nào khác, như chiến tranh công nghệ hay thậm chí nguy hiểm hơn nữa.
"Một giải pháp trong ngắn hạn khó có thể diễn ra."
Douglas Irwin chỉ ra rằng: trong hai cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô và chiến tranh thương mại với Nhật Bản trước đây, Moscow và Tokyo chưa bao giờ trở thành thách thức kinh tế thực sự với Washington. Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế và chính trị sau Thế chiến II, còn nền kinh tế Liên Xô khi đó rõ ràng chứng kiến sự phục hồi chậm.
“Trong khi chính quyền Trump tận dụng triệt để các công cụ thuế quan để bảo hộ nền kinh tế trước sự phát triển vũ bão của Trung Quốc, chính quyền Reagan trong cuộc chiến tranh thương mại với Nhật Bản lại đề cao các biện pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển khả năng cạnh tranh của Mỹ. Tổng thống Reagan ưa thích quan điểm thương mại tự do. Đó là lý do vì sao Mỹ dễ dàng thắng trong xung đột thương mại với Nhật Bản”. - Douglas Irwin phân tích.
“Đó là lý do vì sao chiến tranh thương mại với Trung Quốc thực sự khác biệt”.