VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng

06/10/2019 09:28 GMT+7
VCB, VIC, VHM và GAS đóng góp đáng kể vào đà tăng của VN-Index sau 9 tháng. BVH là cổ phiếu lấy đi của VN-Index nhiều điểm nhất.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, VN-Index đứng ở mức 996,56 điểm, tăng 104,02 điểm (11,65%) so với thời điểm cuối năm trước. UPCoM-Index tăng 3,95 điểm (7,5%) lên 56,78 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ 1,62 điểm (0,79%) lên 105,05 điểm.

Thị trường chủ yếu tăng điểm trong khoảng hơn 2 tháng đầu năm, sau đó, các chỉ số đều rơi vào trạng thái biến động giằng co tích lũy với những phiên tăng giảm điểm đan xen. VN-Index trong 9 tháng có một số thời điểm kiểm định lại mốc 1.000 nhưng đều không thành công.

Trên sàn HoSE, theo dữ liệu của Bloomberg những cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của VN-Index trong 9 tháng qua là Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và PV Gas (GAS). Trong đó, VCB là "đầu tàu" giúp thị trường đi lên, góp 31,81 điểm (3,56%) cho VN-Index thời gian qua. Trong 9 tháng, cổ phiếu VCB đã tăng từ 53.500 đồng/cp lên thành 82.100 đồng/cp, tương ứng 53,5%.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 1.

10 cổ phiếu tác động lớn nhất lên HNX-Index trong 9 tháng.

Cổ phiếu VCB có khoảng thời gian bứt phá mạnh một phần rất lớn nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 9.075 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vững vị trí số một về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong 9 tháng. Nguồn: VNDS

Đứng sau VCB là bộ đôi cổ phiếu họ "Vin" VIC và VHM. Trong đó, VIC đóng góp cho VN-Index 23,98 điểm (2,69%), còn VHM là 17 điểm (1,92%). Sau 9 tháng, cổ phiếu VIC tăng 25,7%, VHM tăng 23,1%.

Vingroup hiện vẫn là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 394,8 tỷ đồng (dữ liệu chốt ngày 3/10). Vingroup hoạt động đa ngành từ bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế, sản xuất ôtô, smartphone, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo... Mới đây, công ty tham vọng lấn sang mảng hàng không khi thành lập hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy.

Kết quả kinh doanh công ty 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất trong quý đạt 39.457 tỷ đồng – tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 2.343 tỷ đồng, tăng 218% so với cùng kỳ năm ngoái.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu VHM trong 9 tháng. Nguồn: VNDS

Đối với Vinhomes, công ty con của Vingroup, doanh nghiệp này 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 26.770 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.142 tỷ đồng, tăng 36,6% so với nửa đầu năm ngoái và vượt qua cả Vietcombank về chỉ tiêu này.

Chiều ngược lại, BVH của Bảo Việt là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên VN-Index trong 9 tháng qua. BVH đã lấy đi của VN-Index 3,02 điểm (-0,34%) bằng việc giảm đến gần 6% từ 89.000 đồng/cp xuống còn 74.800 đồng/cp. Cổ phiếu BVH 21% giá trị chỉ sau 3 phiên giao dịch khi khoảng 7,3 triệu cổ phiếu ESOP (giá mua 35.000 đồng/cp) được điều chỉnh từ hạn chế chuyển nhượng sang chuyển nhượng tự do.

Kết quả kinh doanh của Bảo Việt 6 tháng đầu năm không mấy tích cực khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 670,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20% so với cùng kỳ.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu BVH trong 9 tháng. Nguồn: VNDS.

Các cổ phiếu khác cũng gây áp lực lớn lên VN-Index còn có TCB của Techcombank, HVN của VietnamAirline, ROS của Xây dựng FLC Faros, POW của Điện lực Dầu khí Việt Nam. Trong đó, TCB lấy đi của VN-Index 2,7 điểm (-0,3%), HVN và ROS làm VN-Index mất 2,7 điểm (-0,28%) và 2,46 điểm (-0,24%).

Đối với HNX-Index, cổ phiếu có tác động lớn nhất giúp chỉ số này duy trì được tăng trưởng dương trong 9 tháng qua là VCS của Vicostone. Từ mức 64.044 đồng/cp, VCS đã leo lên 102.700 đồng/cp, tương ứng mức tăng 60,4%, đóng góp cho HNX-Index 1,32 điểm (1,3%). Đà tăng của cổ phiếu VCS chỉ thực sự diễn ra trong khoảng 3 tháng trở lại đây sau khi kết quả kinh doanh khả quan. Trong 6 tháng, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần 2.526 tỷ đồng – tăng 17%, lợi nhuận sau thuế 670 tỷ đồng – tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng Vicostone đạt 3.933 đồng

Kết quả kinh doanh 6 tháng của công ty này cải thiện đáng kể sau một năm 2018 chững lại với lợi nhuận chỉ tương đương năm 2017 trong khi giai đoạn 2010 – 2017, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân lên tới 33%.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 5.

Diễn biến giá cổ phiếu VCS trong 9 tháng. Nguồn: VNDS.

Đứng sau Vicostone là cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu với mức điểm đóng góp là 1,03 (1%). Dù vậy mức tăng giá của ACB là tương đối khiêm tốn với 2,8% từ 22.768 đồng/cp lên 23.400 đồng/cp, nhưng do vốn hóa của ACB chiếm tới 20% tổng vốn hóa HNX nên vẫn có tác động lớn nhất đến HNX-Index.

Chiều ngược lại, các cổ phiếu như DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, DL1 của Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai gây áp lực nhiều nhất lên HNX-Index nhưng mức điểm mà các cổ phiếu này lấy đi đều không quá lớn. Trong đó, dù giá cổ phiếu giảm đến 30,8% sau 9 tháng nhưng mức điểm mà DGC lấy đi của HNX-Index cũng chỉ là 0,83 điểm (-0,8%).

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 6.

10 cổ phiếu tác động lớn nhất lên HNX-Index trong 9 tháng.

Trên sàn UPCoM, VGI của Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng 147% trong 9 tháng và đóng góp 6,41 điểm (12,1%). Viettel Global ghi nhận 7.869 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.257 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 722 tỷ đồng.

Cổ phiếu VEA của Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cũng là nhân tố quan trọng giúp UPCoM-Index tăng điểm mạnh so với đầu năm khi đóng góp 2,73 điểm (5,2%). Giá cổ phiếu VEA tăng 40,77% so với đầu năm.

VCB và VIC góp hơn 50% mức tăng VN-Index sau 9 tháng - Ảnh 7.

10 cổ phiếu tác động lớn nhất lên UPCoM-Index trong 9 tháng.

Trong khi đó, ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam là "tội đồ" đối với chỉ số này khi lấy đi 3,65 điểm (-6,9%). Trong thời gian qua, thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần ACV để đảm bảo an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không đã khiến giá cổ phiếu này điều chỉnh nhẹ, nhưng do mức vốn hóa chiếm 17% ở sàn UPCoM nên ACV vẫn là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên UPCoM-Index. Tiếp đến, BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng lấy đi của UPCoM-Index 1,6 điểm (-3%).

Bình An/NDH
Cùng chuyên mục