Đến thời của cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ?
Những phiên giao dịch gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy việc dòng tiền đang có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu Large Cap (vốn hóa lớn), đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong những tuần đầu tháng 10, thị trường sẽ bắt đầu đón nhận các con số ước tính về lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết. Các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý này gồm có ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, điện, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Nhóm ngân hàng vẫn duy trì xu hướng tăng ngắn hạn khá tốt, các nhịp điều chỉnh vẫn được xem là cơ hội để thực hiện giải ngân đối với nhóm ngành này.
Nhìn vào diễn biến thị trường trong những phiên gần đây, đa phần các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền, nhưng điều này cũng chưa đủ sức để kéo VN-Index "chạm vào thiên đường 1.000 điểm".
Bằng chứng là việc dù các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm, nhưng VN-Index cũng đã nhiều lần rung lắc mạnh khi tiệm cận vùng kháng cự mạnh.
Phải chăng lúc này cần có sự "thay ngôi đổi chủ" để dẫn dắt VN-Index bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.000 điểm và tiến tới những mục tiêu xa hơn?
Nói với Bloomberg, ông Vũ Hữu Điền, Phó giám đốc đầu tư của Dragon Capital tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dòng tiền thụ động đã đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, đẩy giá trị của chúng lên cao. Theo dõi các cổ phiếu lớn trong nhóm VN30, những cổ phiếu này đã tăng 6,8% trong quý 3/2019 với hệ số P/E hiện tại là 11,5 lần. Theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg, chỉ số VN70 mid-cap tăng 2% với hệ số P/E là 7,9 lần.
"Chúng tôi nhìn thấy giá trị thực tiềm năng của các cổ phiếu Mid and Small Cap (vốn hóa vừa và nhỏ) trong chỉ số VN-Index. Nhiều cổ phiếu trong số đó có câu chuyện tăng trưởng rất ấn tượng. Đây chính là điểm khiến chúng tôi hào hứng đầu tư tại Việt Nam", ông Điền chia sẻ.
Trong quý 3/2019, chỉ số VN-Index tăng 4,9%, và tăng 12% so với hồi đầu năm và trở thành chỉ số dẫn đầu Đông Nam Á. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là việc hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển từ các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến vẫn leo thang.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng GDP trong quý 3/2019 của Việt Nam đạt 7,31%, cao hơn so với mức 6,73% trong quý 2/2019. Ngày 01/10, Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,5% lên mức 6,9% trong năm 2019 với lý do lĩnh vực xây dựng và dịch vụ sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Ông Điền cho biết, với sự tích cực của nền kinh tế như hiện tại, Dragon Capital kỳ vọng thị trường vẫn sẽ duy trì sự tích cực trong những tháng cuối năm 2019.
Theo số liệu mà Bloomberg tổng hợp, tính từ đầu năm 2019, khối ngoại đã mua ròng 361 triệu USD cổ phiếu Việt Nam.