Vì sao các doanh nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc bộ 'gặp khó' khi vay vốn ngân hàng thương mại?

09/12/2023 07:18 GMT+7
Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế cho hay, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực TDMNBB phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành và tài chính còn yếu, chưa minh bạch. Do đó, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại.

Ngày 08/12/2023, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn VRISEM tổ chức Hội thảo: "Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ".

Chất lượng tín dụng tại các tỉnh TDMNBB luôn nằm trong phạm vi an toàn cho phép

Tham luận tại Hội thảo, Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, đến nay hệ thống mạng lưới tổ chức tín dụng tại khu vực Trungn du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) đã được mở rộng, ngoài 14 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh trong khu vực có chức năng quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn, còn có 1.248 điểm giao dịch của các TCTD, trong đó có: 182 chi nhánh cấp 1; 985 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch; 108 Quỹ tín dụng nhân dân, để cung cấp nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng cho người dân tại khu vực.

Trong những năm qua, hoạt động huy động vốn tại khu vực TDMNBB đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc cung ứng cho hoạt động đầu tư tín dụng trên địa bàn. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD tại khu vực đạt trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng toàn quốc là 7,68%) và đáp ứng khoảng 89% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Dư nợ tín dụng của khu vực đạt trên 571 nghìn tỷ đồng, tăng 9,11% so với 31/12/2021 và chiếm khoảng 5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Vì sao các doanh nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc bộ 'gặp khó' khi vay vốn của ngân hàng thương mại? - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD tại khu vực đạt trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2021.

Trong đó tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng: (i) Tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng trên 17,5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB; (ii) Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 25,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB; (iii) Tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 56,8% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB

Về chất lượng tín dụng, các TCTD trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng cho nền kinh tế. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, thực hiện tốt việc phân tích nợ, đánh giá rủi ro để có biện pháp thu hồi nợ quá hạn và ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh.

Do đó, chất lượng tín dụng tại các tỉnh TDMNBB luôn nằm trong phạm vi an toàn cho phép. Tỷ lệ nợ xấu tại khu vực TDMNBB chiếm khoảng 0,93%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực.

Những thách thức trong hoạt động tín dụng ngân hàng tại khu vực TDMNBB

Kết quả hoạt động tín dụng trên đã phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hướng dòng vốn tín dụng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tuy nhiên, đầu tư tín dụng cho khu vực TDMNBB còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

Đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực TDMNBB thường gặp phải các rủi ro và khó khăn do đây là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến trồng trọt chăn nuôi, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân.

Việc phát triển các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ có năng suất, chất lượng, đảm bảo tính ổn định nhằm thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp chế biến phát triển còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương trong vùng.

Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết một số nơi trong khu vực vẫn bộc lộ hạn chế; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, xảy ra nhiều trường hợp tự phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, không tuân thủ kỹ thuật và cam kết trong hợp đồng liên kết; chế tài trong liên kết chưa nghiêm dẫn đến việc phá vỡ cam kết của hợp đồng liên kết gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân tham gia liên kết.

Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng; chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị. Sản xuất công nghiệp còn manh mún, chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Du lịch phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao; thương mại chủ yếu tập trung vào thương mại biên mậu. Năng lực cạnh tranh của vùng và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa phát triển, nhất là kết nối hạ tầng giao thông. Do vậy hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư tín dụng nói riêng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ còn thấp.

Doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực TDMNBB phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành và tài chính còn yếu và chưa minh bạch, do đó, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại.

Trước những khó khăn trên, ngành ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục triển khai điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục