Vì sao Chính phủ cấm, Bộ Công Thương vẫn cấp phép xuất khẩu khoảng sản thô?
Mới đây, tại buổi họp báo thường niên của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chủ trương của Đảng và Chính phủ đã nêu rõ, việc khai thác khoáng sản chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước.
Bên cạnh đó, định kỳ xem xét để xác định mức độ quan trọng của từng loại khoáng sản, từ đó điều chỉnh việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản. Các sản phẩm khoáng sản chỉ được xuất khẩu khi đã được chế biến cũng như có các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể và được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, đã giảm từ 22 loại khoáng sản được xuất khẩu theo quy định trước đây xuống còn 10 loại khoáng sản được xuất khẩu.
"Như vậy, không phải chúng ta cấm xuất khẩu tất cả các loại khoáng sản mà là hạn chế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Theo đại diện Bộ Công Thương thông tin, những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Các doanh nghiệp của ngành khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, khu vực chế biến không được đầu tư theo quy hoạch.
Một số khu vực đã đầu tư thì sản xuất cầm chừng, sản lượng rất thấp, tồn kho số lượng lớn một số loại khoáng sản, đặc biệt quặng sắt hoặc quặng titan, nhiều mỏ phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Theo các quy định hiện nay, doanh nghiệp nếu dừng khai thác khoáng sản vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở các giấy phép đã được cấp trước đây.
Trước những bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp, đối với quặng sắt và titan, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xuất khẩu quặng tồn kho trong nước không sử dụng hết trong các năm 2017, 2018. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xem xét và giải quyết hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giải quyết xuất khẩu khoáng sản tồn kho chỉ là giải pháp tình thế, tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
"Chúng tôi nhấn mạnh việc giải quyết xuất khẩu tồn kho chỉ là tạm thời để tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động", ông Đỗ Thắng Hải nói.
"Bộ Công Thương hiện đang phối hợp các Bộ, ngành xây dựng, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch. Quá trình triển khai lập Quy hoạch khoáng sản sẽ cân đối giữa khai thác, chế biến để đảm bảo tính hợp lý giữa cung và cầu giảm tồn kho, có chính sách đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản", Bộ Công Thương thông tin thêm.
Trước đó, từ đầu năm nay, Bộ Công Thương đã có văn bản chấp thuận cho 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần khai khoáng Minh Đức, Công ty TNHH xây dựng Lan Anh và Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan được xuất khẩu tổng cộng 340.000 tấn quặng sắt limonit có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa (Lào Cai).
Được biết, đây là số lượng quặng các doanh nghiệp trên đã mua từ Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) trong năm 2018 nhưng không tiêu thụ được trong nước. Trước đó, tháng 12/2018, ba doanh nghiệp đã đồng loạt đề nghị được xuất khẩu số quặng đã mua của Công ty VTM.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu của các doanh nghiệp trên nhằm đảm bảo việc xuất khẩu đúng chủng loại, khối lượng, chất lượng và nguồn gốc quặng.
Trong đó, mỏ sắt Quý Xa là 1 trong 2 hợp phần chính của dự án thép Việt Trung do Tổng công ty thép Việt Nam góp vốn chính cùng đối tác Trung Quốc. Dự án này là 1 trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương.