Vì sao chứng khoán Mỹ chỉ giảm nhẹ sau cú sốc đe dọa đánh thuế?
Chứng khoán Mỹ mở cửa cũng sụt giảm hàng loạt giống các thị trường khác. Chỉ số S&P 500 giảm trên 1% trước khi phục hồi lại. Chỉ số DJA có lúc giảm hơn 470 điểm. Tuy nhiên đến lúc đóng cửa, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại giảm không nhiều: S&P 500 giảm 0,45%, DJA giảm 0,26%, Nasdaq giảm 0,5%.
Diễn biến phục hồi này được cho là xuất phát từ phản ứng khá mềm mỏng từ phía Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm chủ Nhật bất ngờ dọa tăng đánh thuế, thị trường lo sợ cuộc đàm phán thương mại cuối tuần này sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên phía Trung Quốc cho biết vẫn tiếp tục kế hoạch cử đoàn đàm phán tới Mỹ.
“Trung Quốc hi vọng sẽ đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán và chúng tôi hi vọng phía Mỹ sẽ hợp tác và đi cùng một hướng để đạt được thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
“Người dân Trung Quốc cũng như trên thế giới rất quan tâm tới vòng đàm phán tiếp theo và chúng tôi cũng đã học được từ những thay đổi tương ứng. Đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị tới Mỹ để đàm phán”, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận.
Việc Trung Quốc xác nhận rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục đã khiến giới đầu tư Phố Wall cho rằng rằng tuyên bố đe dọa của ông Trump chỉ đơn giản là một thủ thuật tăng áp lực lên Trung Quốc trong nỗ lực bảo đảm ưu thế trong các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn cuối.
“Thị trường đã phản ứng phù hợp. Thị trường đang cố gắng dò đoán xem cả hai bên đang ở đâu trong các cuộc thảo luận. Đây có phải là một bước thụt lùi? Tôi không nghĩ rằng đó là một bước thụt lùi”, Patrick Palfrey, chiến lược gia cấp cao của Credit Suisse nhận xét. “Ông Trump đang tìm cách đảm bảo có được thỏa thuận tốt nhất có thể”.
“Chiến lược gia đàm phán của Tổng thống Trump có thể là khác thường nhưng khả năng đạt được một số thỏa thuận vẫn cao hơn là không có gì”, ông Tobias Levkovich, chiến lược gia trưởng tại Citigroup nói. Levkovich cho rằng đàm phán Mỹ - Trung không giống như tiến trình trắc trở trong các cuộc đàm phán thương mại với Mexico và Canada mà cho đến giờ thỏa thuận vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Giống như các nhà phần tích khác, Levkovich cũng chỉ ra thực tế rằng thị trường chứng khoán đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại và đó là thành tựu mà ông Trump sẽ không muốn để mất. Tổng thống Trump coi thị trường chứng khoán như một thành quả của chính quyền của mình, vì vậy một số chiến lược gia hy vọng rằng Tổng thống sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường nếu nó rơi tự do.
Chỉ số DJI của Mỹ đã phục hồi ngay trong phiên.
Dan Clifton, người đứng đầu bộ phận Chiến lược chính sách của Strategas Research cho biết ông Trump đang sử dụng mối đe dọa về thuế quan để thúc đẩy đàm phán tiến tới một thỏa thuận trong tuần này. Nếu chiến thuật này thành công, thỏa thuận thương mại có thể kết thúc trong thời gian ngắn và sự biến động trên thị trường chứng khoán sẽ là một cơ hội. Clifton nói thêm rằng khó có thể thực hiện mức thuế cao hơn ngay lập tức và việc mở rộng danh sách hàng hóa sẽ mất vài tháng để thực hiện.
Các nhà kinh tế của Barclays cho biết động thái tiếp theo là của Trung Quốc: “Tất cả mọi người sẽ chú ý đến cách Trung Quốc phản ứng”. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng không rõ liệu Phó Thủ tướng Lưu Hạc có tiếp tục chuyến thăm tới Hoa Kỳ vào ngày 8/5 hay không.
“Việc Phó thủ tướng Lưu Hạc không tới Washington sẽ làm tăng khả năng tăng thuế 25% được thực hiện vào thứ Sáu này, theo quan điểm của chúng tôi. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Trump và việc tăng thuế được dừng lại”, các nhà phân tích của Barclays nhận định.