Viện nghiên cứu IEEE bỏ lệnh cấm nhân viên Huawei bình duyệt nghiên cứu khoa học

03/06/2019 16:49 GMT+7
Viện Kỹ sư Điện và Điện tử IEEE mới đây đã phục hồi quyền bình duyệt các tác phẩm nghiên cứu khoa học của nhân viên Huawei sau khi vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng các nhà khoa học Trung Quốc.

Trong một thông báo hôm 2.6 (giờ Mỹ), Viện IEEE tuyên bố dỡ bỏ mọi lệnh hạn chế quyền bình duyệt nghiên cứu khoa học với những nhân viên công tác tại tập đoàn Huawei sau khi được chính phủ Mỹ làm rõ về lệnh hạn chế thương mại. Cụ thể, các biện pháp kiểm soát thương mại sẽ không áp dụng cho hoạt động xuất bản ấn phẩm, tài liệu của tổ chức, hội nhóm.

Như vậy, các nhà khoa học, kỹ sư đang làm việc tại Huawei và 70 chi nhánh của Huawei có thể tham gia mọi hoạt động bình duyệt, đánh giá và biên tập tài liệu khoa học trong quá trình xuất bản. Thông báo này được công bố trên website chính thức của IEEE.

Trước đó, cộng đồng khoa học Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình với viện nghiên cứu lớn nhất thế giới về động thái ngăn cản tự do khoa học và trao đổi học thuật. Nhiều thành viên của IEEE tại Trung Quốc thậm chí tuyên bố ra khỏi viện này để phản đối lệnh cấm thiếu chuyên nghiệp và bất công.

Lý do mà Viện IEEE đưa ra cho hành động cấm nhân viên Huawei bình duyệt nghiên cứu khoa học là để thực hiện nghĩa vụ pháp lý liên quan đến lệnh hạn chế thương mại của Mỹ về hoạt động chia sẻ thông tin kỹ thuật. Tuy nhiên sau đó, chính phủ Mỹ lên tiếng xác nhận lệnh hạn chế thương mại không hướng các hoạt động xuất bản ấn phẩm, tài liệu khoa học như trường hợp của IEEE.

Viện IEEE tuyên bố dỡ bỏ hạn chế quyền bình duyệt nghiên cứu khoa học của nhân viên Huawei sau hàng loạt động thái bất bình từ cộng đồng khoa học

10 cộng đồng khoa học lớn nhất Trung Quốc bao gồm Viện Điện tử Trung Quốc và Viện Truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích quyết định của IEEE. Một thông cáo được phát đi hôm 2.6 vừa qua, 10 viện nghiên cứu này yêu cầu IEEE sửa chữa sai lầm, dùng hành động để lấy lại niềm tin của các thành viên trong cộng đồng nghiên cứu khoa học toàn cầu.

“Chúng tôi đề nghị IEEE nhìn nhận lại những tác động mà quyết định vừa qua đã gây ra cho cộng đồng khoa học toàn cầu. IEEE cần dùng hành động để cứu vãn các tác động tiêu cực ấy, đưa hoạt động trao đổi học thuật trở về đúng hướng, đúng mục tiêu và tôn chỉ cao đẹp ban đầu”.

Trong thông báo khôi phục mọi quyền lợi cho nhân viên Huawei, IEEE thừa nhận: “Cách giải quyết vấn đề hạn chế của chúng tôi xuất phát từ mong muốn bảo vệ các thành viên khỏi rủi ro pháp lý. Giờ đây, với sự làm rõ từ chính phủ, rủi ro đã được giải quyết triệt để. Chúng tôi đánh giá cao những ý kiến từ các thành viên trên khắp thế giới và cảm ơn về sự kiên nhẫn của họ khi làm việc với chúng tôi trong một tình huống phức tạp về mặt pháp lý như vậy.”

Vài giờ sau tuyên bố khôi phục quyền bình duyệt nghiên cứu khoa học cho nhân viên Huawei, Cô Zhang Haixia - giáo sư Đại học Bắc Kinh, người từng tuyên bố sẽ ra khỏi IEEE để phản đối lệnh cấm bình duyệt - đã gửi đến IEEE một bức thư ngỏ thể hiện sự ủng hộ. Rất nhiều nhà khoa học Trung Quốc cũng có động thái cởi mở hơn với IEEE.

IEEE hiện là một trong những viện nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới, với hàng trăm ngàn thành viên từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục