Việt Nam sẽ có trung tâm công nghiệp tôm đầu tiên
Theo nội dung đề án, tỉnh sẽ lấy xuất khẩu làm động lực đồng thời quan tâm đến thị trường nội địa và khách du lịch. Ngoài ra, trung tâm công nghiệp tôm của cả nước cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM cả về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả.
2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực của tỉnh là tôm thẻ chân trắng và tôm sú sẽ được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, nhằm tạo thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu; từng bước xây dựng thương hiệu cho tôm giống Bạc Liêu.
Mục tiêu của đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực, tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến; là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án là hơn 3.000 tỷ đồng, lấy từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác.
Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu.
UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh công bố, công khai Đề án ngay sau khi được ban hành. Tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình, dự án có liên quan để tổ chức thực hiện đề án.