Việt Nam xuất khẩu hơn 400 triệu chiếc khẩu trang từ đầu năm

01/05/2020 16:53 GMT+7
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam hơn 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD.

Cụ thể, hiện tại, khẩu trang do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản (gần 33 triệu chiếc), Hàn Quốc (hơn 17 triệu chiếc), Đức (11 triệu chiếc), Mỹ (10 triệu chiếc), Hong Kong (Trung Quốc, 4 triệu chiếc).

Ngoài những thị trường chính nêu trên, Việt Nam còn xuất hàng triệu khẩu trang sang Singapore, Ba Lan, Úc, Trung Quốc, Lào, Nam Phi...

Trong đó, theo khai báo hải quan thì các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton. Về loại hình, khẩu trang sản xuất theo kiểu gia công chiếm gần 37 triệu chiếc. Đối với loại khẩu trang xuất kinh doanh hoặc xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng) gồm 51 triệu chiếc.

Việt Nam xuất khẩu hơn 400 triệu chiếc khẩu trang từ đầu năm - Ảnh 1.

Dịch Covid - 19 khiến nhu cầu khẩu trang trên thế giới tăng mạnh

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành văn bản đồng ý bỏ chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế. Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Y tế chủ trì việc xuất khẩu mặt hàng này một cách có kiểm soát.

Cụ thể, theo công văn số 60/NQ – CP ngày 29/04/2020, Thủ tướng đồng ý bỏ chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid – 19, theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ – CP ngày 28/02/2020.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu sử dụng khẩu trang trong nước nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid – 19.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đồng ý cho việc hoạt động xuất khẩu khẩu trang, văn bản của Thủ tướng cũng nêu rõ, các doanh nghiệp khi xuất khẩu đảm bảo chất lượng sản phẩm và phải cam kết bán đủ số lượng cho cơ sở y tế khi được yêu cầu.

Trước đó, góp ý vào dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án để vừa đảm bảo cung ứng khẩu trang dự trữ phục vụ trong nước song vẫn tận dụng được thời cơ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế lựa chọn phương án tối ưu để trình Chính phủ theo một trong các phương án:

Phương án 1, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế để có thể đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho dự trữ trong nước trong tháng 5 hay không? Trường hợp có thể đảm bảo thu mua đủ số lượng khẩu trang y tế theo nhiệm vụ được giao trong tháng 5, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu.

Phương án 2, trường hợp thực hiện theo phương án đã được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản xác nhận số lượng khẩu trang y tế được phép xuất khẩu của từng doanh nghiệp làm cơ sở cho cơ quan Hải quan theo dõi khi thực hiện thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa một số nội dung tại dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP. Đồng thời Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nội dung trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được xuất khẩu khẩu trang y tế dưới hình thức quà biếu, quà tặng, (trường hợp cần hạn chế xuất khẩu thì Bộ Y tế quy định số lượng cụ thể).

Thanh Phong
Cùng chuyên mục