Vụ học sinh trường Gateway tử vong : Kinh doanh bất động sản, gắn mác trường “quốc tế”?

08/08/2019 11:00 GMT+7
Công ty Cổ phần Giáo dục Gateway Việt Nam do bà Trần Thị Hồng Hạnh làm Chủ tịch hội đồng tuy mang tên “giáo dục” nhưng lại đăng ký kinh doanh chính là bất động sản.

Ngày 6/8, sự việc đau lòng của bé trai lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón tới Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway dấy lên lo ngại về quy trình đưa đón, quản lý học sinh của các trường mang danh “quốc tế”.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch hội đồng trường Gateway

Được biết, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch hội đồng trường Gateway là giám độc nhiều doanh nghiệp: Công ty cổ phần giáo dục Edufit, Công ty cổ phần giáo dục Gateway Việt Nam, Công ty cổ phần hợp tác giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Zusso Việt Nam, Công ty TNHH giáo dục Edusmart Tây Hồ và Công ty cổ phần giáo dục Nguồn sáng.

Điều đáng chú ý hơn cả, Công ty Cổ phần Giáo dục Gateway Việt Nam do bà Trần Thị Hồng Hạnh làm người đại diện pháp luật lại có lĩnh vực đăng ký kinh doanh chính là “bất động sản” chứ không phải lĩnh vực “giáo dục”.

Công ty Cổ phần Giáo dục Gateway Việt Nam có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản

Theo như thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Giáo dục Gateway Việt Nam bắt đầu thành lập từ ngày 4/5/2017, tại Số 6 ngõ 1, khu 5 đường Hà Trì, Phường Hà Cầu, Quận Hà Đông, Hà Nội. Khi thành lập, công ty này có vốn chủ sở hữu là 50 tỷ đồng. Hết năm 2018, số vốn này tăng lên là 75 tỷ đồng.

Không chỉ có Gateway đăng ký kinh doanh bất động sản mà ngay chính tập đoàn mẹ là Edufit (thành lập từ 12/12/2017, tại địa chỉ 06/100, tổ 34, Phường Trần Lãm, Thái Bình) cũng có lĩnh vực kinh doanh là bất động sản.

Công ty cổ phần giáo dục Edufit có đăng ký các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến bất động sản

Hệ thống trường Gateway chịu sự quản lý của Tập đoàn Edufit. Hiện nay Gateway có 3 cơ sở là Gateway Cầu Giấy, Gateway Tây Hồ Tây (dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 8/2020) và Gateway Hải Phòng. Theo thông tin tìm hiểu, mức học phí trong năm học 2019-2020  là 117,7 triệu đồng/năm (chưa bao gồm học phí học liệu, tiền ăn, buýt và phí trông muộn).

Đặc biệt, về tên Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy khẳng định, “Trong quy định thì không có trường nào là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số tường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Đối với trường Gateway trong quyết định thành lập cũng không có chữ quốc tế. Đây có thể là một cách để các trường tư marketing tên tuổi mà thôi. Trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài và chúng tôi cũng đã báo cáo những điều này lên trên”.

Còn theo Thông tư 12/2011 về Điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học dẫn, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, con dấu, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.

"Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: Trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Không chỉ có Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác hiện nay cũng đang mang mác là trường “quốc tế” để nhằm thu hút học sinh với mức học phí cao ngất ngưởng", ông Anh cho biết thêm.

Các trường quốc tế hiện nay hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.

Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục của Chính phủ ban hành, tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học…

Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…

Phương Thảo
Cùng chuyên mục